Change background image
OAPA Forum- Cộng Đồng nhân sự Việt


Go downMessage [Page 1 of 1]

© FMvi.vn

Sat Dec 25, 2010 8:39 pm
admin
admin

bàn thêm về đạo đức nghề báo Admin

Lâu nay, khi nói đến đạo đức báo
chí, người ta thường nhắc đến các nguyên tắc xử sự đúng đắn để ngăn ngừa những
hành vi không đúng đắn trong hoạt động nghề nghiệp trên cơ sở lí tưởng và trách
nhiệm đạo đức, trên cơ sở lương tâm và lòng tự trọng của nhà báo. Và các nhà lý
luận thường chỉ ra những biểu hiện vi phạm đạo đức báo chí phổ biến như thông tin sai sự thật (do phóng viên bịa
ra), thông tin méo mó (sai một phần), không quan tâm đến hậu quả của thông tin,
ứng xử nhẫn tâm, đưa tin không khách quan vì mục đích vụ lợi hay vì năng lực
chuyên môn kém v.v…


Thế nhưng thực tế, biểu hiện vi phạm đạo đức báo chí thực sự
phức tạp hơn nhiều. Không phải chỉ có “hành vi không đúng đắn” mới vi phạm, mà
cả khi “không có hành vi gì” cũng là chuyện vi phạm. Không phải nhân danh sự
thật, nhân danh quyền được thông tin, nhân danh lợi ích cộng đồng thì một hành
vi của nhà báo đã được “bảo hiểm về đạo đức”…



Im lặng, đôi khi là thái độ thiếu đạo đức:

Khi giảng giải về hành vi vi phạm
đạo đức báo chí, người ta thường nêu ra những tình huống cụ thể để minh họa cho
việc cân nhắc nên hay không nên làm cái gì đó. Nhưng trong thực tế báo chí,
việc nhà báo im lặng, dửng dưng trước sự việc, sự kiện, hiện tượng, vấn đề
mà họ biết cũng là chuyện vi phạm đạo đức.

Chẳng hạn, nhiều năm qua, giá sữa bán lẻ tại Việt Nam
cao nhất thế giới (tương đương 1,4 USD/lít). Mức giá này ngang với những nước
phát triển như Mỹ, Canada,
Hàn Quốc và là mức giá mà các nước giàu cũng khó chấp nhận. Tại một số nước
phát triển khác như Hà Lan, Đức giá sữa chỉ 0,8 USD/lít. Ở Trung Quốc, giá cũng
chỉ 1,1 USD/lít. Một số nước như Ấn Độ, Mexico
giá chỉ 0,5 USD/lít...

Trong khi đó, mức lợi nhuận của
các doanh nghiệp sữa tại Việt Nam
cũng đạt tới mức cao nhất nhì thế giới. Lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh
doanh sữa bột tại Việt Nam
cực cao (với mức trung bình từ 22- 86%). Người tiêu dùng Việt Nam
phải mua sữa giá quá cao, nông dân nuôi bò Việt Nam
thì bị chèn ép trong khi các doanh nghiệp chế biến, nhập khẩu sữa hưởng siêu
lãi.

Thực tế có nhiều nhà báo theo dõi mảng bảo vệ người tiêu
dùng, theo dõi mảng dinh dưỡng đều biết rất rõ điều này nhưng họ không lên
tiếng. Chỉ sau khi cơ quan chức năng vào cuộc vào giữa năm 2009 thì một số báo
mới công bố thông tin nêu trên.

Các hãng sữa ngoại đổ tiền vào
quảng cáo trên nhiều kênh truyền hình, nhiều tờ báo. Truyền thông góp phần vào
“cách dùng sữa” của nhiều gia đình Việt với giá cao ngất ngưỡng. Tất nhiên, các
hoạt động quảng cáo, PR của những hãng sữa và các kênh truyền thông vẫn diễn ra
đúng luật. Nhưng ở một khía cạnh khác, các nhà báo viết về y tế, dinh dưỡng
thừa biết chuyện giá sữa nước ta quá cao, nhưng phải chăng do “tình cảm khá sâu
nặng” đối với nhiều doanh nghiệp nên họ đã im lặng suốt một thời gian dài.

Biểu hiện “im lặng đáng sợ” ấy
thực tế đã xảy ra thường xuyên trong làng báo: Nhiều nhà báo của chúng ta vì quá thân quen với một đơn vị, một cá
nhân nào đó nên khi đơn vị, cá nhân ấy xảy ra chuyện tiêu cực, họ chọn thái độ
im lặng, dù chuyện phản ánh tiêu cực ở đó thuộc phạm vi trách nhiệm của họ. Và
đa phần nghĩ rằng, im lặng như thế là vì tình nghĩa, là đạo đức. Đây là một
“mâu thuẫn đạo đức” cực kỳ khó xử trong thực tiễn báo chí nước ta, một đất nước
vốn có truyền thống trọng tình. “Đính chính” cũng là thái độ đạo đức:

Với đặc trưng cập nhập phi định
kỳ và xuất bản online, báo trực tuyến hiện nay có thể tự sửa lại những sơ sót
trong bài báo của mình dễ dàng sau khi công chúng (hay tòa soạn) phát hiện ra
những sơ sót, sai sót.

Cơ chế kỹ thuật này vô tình cho
phép nhiều báo trực tuyến lâu nay tự “xóa dấu vết” sai phạm của mình. Câu
chuyện Sự thật về bản thể lệ cuộc thi hoa
hậu Việt Nam "vượt rào" quy chế
mà báo Pháp Luật TP.HCM nêu ra
giữa năm 2008 là một ví dụ tiêu biểu.

Có những bài báo xúc phạm đời tư
một cá nhân, nhưng sau đó, do có phản ứng của cộng đồng thì đã biên tập lại bài
báo đã xuất bản chứ không có động tác xin lỗi. Thậm chí nhiều báo có thể gỡ
nguyên bài báo vi phạm đạo đức xuống khỏi website không một lời lý giải, cứ như
chưa từng cho xuất bản bài đó (mặc dù trong các bộ máy tìm kiếm lớn như Google,
bài báo đó vẫn còn lưu trong bộ nhớ cache).



Lạm dụng quyền lực trong phỏng vấn:

Cách đây không lâu, trong một bài
phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh của một tờ báo T
sau khi báo này thông tin về sai phạm trong quá khứ của một quan chức nhà nước Tổng
cục du lịch thuộc Bộ này, phóng viên có một câu hỏi: “Chúng tôi cho rằng
trường hợp này không xứng đáng làm Tổng cục trưởng, ông nghĩ sao?”


Xin không nhắc lại tình huống cụ
thể của câu chuyện làm bối cảnh cho cuộc phỏng vấn (mà chắc nhiều người còn
nhớ). Hãy đọc lại câu hỏi của phóng viên. Trong cách hỏi của phóng viên ấy,
người đọc thấy rõ – dù vô tình hay cố ý – một biểu hiện của sự lạm dụng quyền
lực của báo chí trong phỏng vấn

Nhiều phóng viên phát thanh -
truyền hình do những áp lực tuyên truyền cụ thể nào đó, đã chọn hình thức phỏng
vấn áp đặt bằng cách đặt các dạng câu hỏi khép buộc để “lái” người trả lời rơi vào
“bẫy” ý đồ của mình.

Một mặt khác, do bị khống chế
thời lượng phát sóng, nhiều tác phẩm phỏng vấn phát thanh – truyền hình buộc
phải cúp cắt nội dung trả lời của người được phỏng vấn. Quá trình biên tập này
nếu rơi vào những nhà báo thiếu trách nhiệm hoặc yếu nghiệp vụ thì có thể làm
sai lạc – thậm chí sai lạc rất xa - ý tưởng của người trả lời. Cách đây không
lâu, một vị GS.TSKH về văn hóa đã rất bực bội khi bị cúp cắt cách lý giải của
ông về vụ “hoa tặc” ở Hà Nội v.v… dẫn đến những phản ứng không hay cho ông
trong công chúng.



Lạm dụng việc hóa trang để tác nghiệp:

Cách đây không lâu, mình có thực hiện chuyên đề “Nhà
báo và chuyện nhập vai”
trên tạp chí Nghề báo - Hội Nhà báo TPHCM về nội dung này. Theo đó, trong thực tiễn tác nghiệp báo chí, nhất là hoạt
động điều tra, có nhiều nhà báo đã chọn phương pháp nhập vai, “dấn thân”, đóng
vai, cải trang… để thu thập tư liệu, chứng cớ, chất liệu cho tác phẩm. Có nhà
báo đã hóa thân trong vai người đi vào đào đãi vàng, có nhà báo phải đóng vai
hành khách trên những chuyến xe đường dài để viết về nạn cơm tù, có nhà báo tìm
cách để được tham gia một đường dây buôn lậu, một nhóm làm hàng giả, có nhà báo
vào vai một người một người tù, hoặc một người đi mua bất động sản v.v…

Nhưng không phải tất cả các tình
huống “đóng vai” đều được chấp nhận xét ở góc độ đạo đức nghề nghiệp. Đa phần,
việc nhà báo sắm vai hiện nay có thể chấp nhận được trong nhiều tình huống.
Nhưng nguyên tắc chung là nhà báo phải đặt mình vào một đường dây sẵn có để
quan sát, mô tả nó, chứ không được tạo ra đường dây đó. Hay nói đúng hơn nguyên
tắc đạo đức là không được tác động vào sự vật hiện tượng để làm nó thay đổi bản
chất của nó dù nhằm mục đích báo chí tốt.

Có một số nhà báo tự cho phép
mình đi ăn chơi trong các điểm tệ nạn xã hội và sau đó viết bài phóng sự “đứng
trên” để phê phán. Có một số phóng viên “gài” người ta đưa hối lộ để làm chứng
cứ viết bài phê bình. Những cách điều tra không công bằng như thế không thể nào
qua mắt được công chúng của mình.



***
Thực tế báo chí Việt Nam
hiện cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều tình huống xoay quanh nội dung nên
hay không nên làm dưới góc độ đạo đức báo chí hãy còn tranh cãi. Ví dụ việc sử
dụng hình ảnh tư liệu nhưng không xác minh cẩn thận, có khi nhân vật trong khung
hình, đoạn video tư liệu đó (được ghi trước đó nhiều năm) là tội phạm hay đã
chết… Việc chụp ảnh cận cảnh những bị cáo tại tòa án, chuyện vi phạm bản quyền
tinh vi trong báo online, phát thanh – truyền hình v.v…

Nhiều năm qua, giới báo chí Việt đã bàn khá nhiều về chuyện đạo đức báo chí trên các
diễn đàn của mình. Tuy nhiên, cho đến nay, việc trang bị những hiểu biết về đạo
đức báo chí cho người làm báo Việt vẫn còn là khâu yếu, rất yếu ở nước ta. Nền báo chí
Việt đang trong quá trình hoàn thiện, quá trình chuyên nghiệp hóa và thực tiễn
báo chí đang đặt ra những vấn đề đạo đức báo chí ngày càng đặt ra gay gắt…
http://www.www.tochucnhansu2.com

Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà admin
Trả lời nhanh

Back to topMessage [Page 1 of 1]

  © FMvi.vn

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết liên quan

    Quyền hạn của bạn:

    You cannot reply to topics in this forum

    • Free forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com