Change background image
OAPA Forum- Cộng Đồng nhân sự Việt


Go downMessage [Page 1 of 1]

© FMvi.vn

Sat Sep 25, 2010 9:03 am
chumoc
chumoc

bài nghiên cứu phân tích chính sách của kh9a Mod-1

PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH
A. Lời nói đầu.
Tâm lý cán bộ công chức khi thực thi chính sách nhà nước:


B. Những nội dung chính.
Các khái niệm
- Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
- Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào nghạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
- Chính sách là những quy định về hành vi ứng xử của chủ thể quản lý đối với các hiện tượng tồn tại trong quá trình vận động, phát triển nhằm đạt mục tiêu nhất định
- Tâm lý của cán bộ công chức: được hiểu là những hành vi, tinh thần và tư tưởng của cán bộ, công chức.

I. Tìm hiểu vị thế của công chức trong xã hội.
Do vị trí, vai trò của Nhà nước trong hệ thống chính trị,ở bất kỳ nền hành chính nào, công chức cũng có một vị thế nhất định trong xã hội, được xã hội thừa nhận và kính trọng. Vị thế nói lên mối tương quan, địa vị xã hội của công chức so với các nghề nghiệp khác trong các mối quan hệ xã hội
Bản thân phạm vi công chức, nghĩa vụ và quyền lợi của công chức được quy định bởi pháp luật đã khẳng định vị trí, vai trò của người công chức và tạo ra cho họ một uy tín xã hội, rõ rệt. Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của cán bộ, công chức. Đặc biệt trong những nước có nền kinh tế phát triển ở trình độ thấp thì công chức bảo đảm được những nhu cầu quan trọng nhất – nhu cầu về vật chất và an toàn – đó là mục đích đầu tiên đối với cuộc sống của mỗi con người.
Vị thế của công chức được xác lập rõ nét trong các mối quan hệ xã hội. Do vậy, công chức nào cũng có xu hướng rèn luyện, phấn đấu để củng cố và phát huy vị trí của mình.
II. Thước đo đánh giá tâm lý của cán bộ công chức khi thực hiện chính sách nhà nước.
Thước đo đánh giá tâm lí của cán bộ công chức khi thực hiện chính sách nhà nước thể hiện chủ yếu ở các khía cạnh sau:
1. Thái độ của người công chức khi thực thi chính sách:
a. Thái độ của công chức đối với các chính sách:
Trước hết thái độ của người công chức là trạng thái tinh thần của công chức trước khi hoàn thành một hành vi đối với một sự kiện nào đó xảy ra trong hoạt động quản lí của nhà nước.
Ta xét thái độ của người công chức khi thực thi chính sách nhà nước cũng chính là đi tìm hiểu cách thức ứng xử của người công chức khi thực thi chính sách nhà nước, từ đó có thể đánh giá được tính khả thi và thành công của chính sách. Bởi người trực tiếp tiếp nhận các chính sách, người đưa chính sách đến với nhân dân chính là đội ngũ cán bộ công chức. Nếu họ tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm với những chính sách được ban xuống thì điều đó có nghĩa là chính sách đó có thể chỉ nằm trên giấy tờ và việc hoàn thành mục tiêu của chính sách là khó có thể đạt được. Thái độ của người công chức còn là trạng thái sẵn sàng về mặt tinh thần của cán bộ công chức để chuẩn bị cho một nhành động nào đó – có nghĩa là sẵn sàng phản ứng. Điều này tác động và chi phối hành vi của cán bộ công chức khi thực thi chính sách nhà nước. Ngoài ra mục tiêu của cơ quan , của chính sách cũng tác động trở lại tới tâm lý của người công chức. Thông thường người công chức coi mục tiêu của cơ quan như mục đích tự thân và người công chức thường đánh giá quá mức nhiệm vụ của mình trong quá trình thực thi chính sách, do vậy khi phối hợp công việc giữa các đơn vị trong tổ chức cũng như cơ quan với nhau cần lưu ý tới đặc điểm tâm lý này.
Tuy thái độ chỉ là trạng thái tinh thần nhưng là yếu tố quan trọng thể hiện việc cán bộ công chức có thực sự hết mình với công việc hay không và thái độ cũng ảnh hưởng rất lớn tới hành vi của công chức cũng là ảnh hưởng tới việc thực thi chính sách của nhà nước. Thực tế thì hiện nay trong tư tưởng và phong cách của cán bộ, tệ quan liêu kìm hãm sáng kiến của cấp dưới vẫn còn diễn ra khá phổ biến và điều đó cản trở việc thực thi chính sách của nhà nước. Bởi khoảng cách giữa cán bộ và người dân khá xa, khó xích lại gần thì những tư tưởng và nội dung chủ đạo mà chính sách đề ra khó trở thành hiện thực. Cũng có những bộ phận cán bộ có ý thức tốt và có trách nhiệm với công việc tuy nhiên do thái độ, tác phong chưa tốt nên tỏ ra khách quan, kém bình tĩnh, không thấy lỗi của mình từ đó dẫn đến cách giải quyết vấn đề không thông suốt và khoa học.
Tuy nhiên thái độ của người công chức đối với những chính sách khác nhau cũng khác nhau.
Đối với những chính sách có liên quan tới quyền lợi của cán bộ, công chức như chính sách về lương thưởng…. thì hầu như đều nhận được sự ủng hộ của cán bộ công chức. Bởi những chính sách đó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ. Mặc dù vậy cũng có nhiều ý kiến trái chiều của cán bộ nhân chức khi thực hiện chính sách đó. Bởi có người thì cho rằng những nội dung, chế độ trong chính sách đã phù hợp và đảm bảo được quyền lợi của mình. Nhưng cũng có những ý kiến không hài lòng thậm chí còn bất mãn với chính sách và gây cản trở lớn tới việc đưa chính sách vào thực tiễn. Nhất là trong việc thay đổi, bố trí lại các ngành, cách cấp, các đơn vị cơ sở đã không còn tương xứng với cương vị đang đảm nhiệm. Số đông cán bộ nhận thức rõ những lợi ích, điểm mới, đột phá mà chính sách mang lại nhưng khi đứng trước những khó khăn thì hoài nghi vào hiệu quả có thể đạt được của chính sách và dần thờ ơ với chính sách.
Đối với những chính sách về vấn đề xã hội mà đối tượng của chính sách không trực tiếp là cán bộ, công chức như chính sách xóa đói giảm nghèo, an toàn thực phẩm, vệ sinh đường phố…thì ít nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ công chức khi thực thi chính sách. Tỏ thái độ thờ ơ, hờ hững, một bộ phận công chức “mất lửa” trong việc thực thi các chính sách đó. Bởi một điều quan trọng là lâu nay cán bộ thường thiếu tin tưởng vào tính khả thi của chính sách cho nên trong khi thực thi các chính sách đó người công chức thường thiếu quyết tâm, thiếu nhiệt huyết và người dân thì chỉ hiểu biết lơ mơ hoặc không biết về các chính sách đó
b. Các yếu tố ảnh hưởng tới thái độ của cán bộ công chức khi thực thi chính sách nhà nước.
· Môi trường tổ chức:
Mỗi cán bộ, công chức luôn tồn tại trong một tổ chức nào đó và không thể hoạt động riêng biệt, một mình. Vì thế môi trường tổ chức, cơ quan là yếu tố ảnh hưởng khá lớn tới tâm lý của cán bộ, công chức. Nhất là trong mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên với cấp dưới. Khi trong cơ quan luôn tồn tại bầu không khí căng vui vẻ, hòa đồng, thoải mái sẽ khiến cho người công chức cảm thấy hứng thú hơn với công viêc, làm việc chăm chỉ hơn và hiệu quả đạt được cũng cao hơn, kể cả trong việc thực thi chính sách cũng vậy. Khi cấp trên, đồng nghiệp luôn tạo cho cán bộ thực thi chính sách tâm lý thoải mái và vui vẻ thi năng suất làm viêc sẽ tốt hơn, có thể đưa ra được nhiều sáng kiến để chính sách được đưa vào đời sống và đạt được những mục tiêu như mong muốn. Ngược lại, nếu như không khí trong cơ quan luôn căng thẳng, áp lực đè nén sẽ khiến người cán bộ thực thi chính sách không yên tâm công tác và ảnh hương không tốt tới quá trình thi hành chính sách.

· Giao tiếp nhóm, tập thể:
Giao tiếp nhóm, tập thể cũng là một trong những yếu tố quyết định tới quá trình hình thành thái độ của cán bộ công chức khi thực thi chính sách nhà nước. Mỗi cán bộ,cá nhân là một thành viên trong một nhóm nào đấy và thái độ của họ thường phản ánh những giá trị mục tiêu nhóm theo điểm. Thông qua cơ chế thưởng phạt có thể sẽ có tác động tích cực, phát huy tối đa năng lực của cán bộ trong thực thi chính sách, ngược lại cũng có thể tạo sức ép lên các cá nhân và kéo theo đó là thái độ không hài lòng đối với chính sách.
· Nhân cách cá nhân:
Vì sự khác nhau về nhân cách của mỗi cá nhân nên thái độ và tình cảm của mỗi cán bộ đối với chính sách cũng khác nhau. Điều này cũng hưởng tới quá trình thực thi chính sách. Tùy thuộc vào nhân cách của từng người mà họ có những suy nghĩ và phản ứng khác nhau đối với từng chính sách. Họ có thể có cảm tình tốt với chính sách nếu họ cho rằng chính sách đó tốt, hợp lí và khi đó việc thực thi chính sách sẽ suôn sẻ, hiệu quả. Nhân cách cá nhân là yếu tố tâm lý đã được hình thành sẵn trong mỗi người, tuy nhiên nó vân bị tác động bởi môi trương xung quanh. Vì thế cũng nên tạo môi trường lành mạnh cho cán bộ công chức thực thi chính sách luôn thấy hứng thú với công việc và toàn tâm toàn ý trong quá trình thi hành chính sách.

· Tình cảm cá nhân:
Tình cảm đối với cơ quan quản lý cá nhân nào sẽ có thái độ tích cực đối với cơ quan cá nhân đó và ngược lại. Ngoài ra tình cảm cá nhân không chỉ ở phương diện cơ quan mà còn trong các mối quan hệ đời thường của họ. Tình cảm này nhiều khi chi phối việc thực thi chính sách nhà nước của một số cán bộ. Nhiều khi có những chính sách ban hành liên quan tới quyền lợi của bạn bè, người thân của cán bộ, họ sẽ sẵn sang giúp đỡ đạt được quyền lợi mặc dù có thể người thân hay bạn bè của họ không đủ tiêu chuẩn là đối tượng của chính sách đó. Nói như vậy có nghĩa là tình cảm cá nhân ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực thi chính sách nhà nước của cán bộ công chức.
· Thông tin:
Thái độ của cán bộ công chức đối với chính sách cũng được hình thành bởi những thông tin như thông tin về Đảng Cộng sản Việt Nam, về nền hành chính nhà nước tạo nên thái độ tích cực đối với người cán bộ. Trái lại những thông tin về tình trạng tham nhũng, bệnh quan liêu của một bộ phận cán bộ công chức tạo nên thái độ bất mãn với việc thực thi chính sách. Trong một số trường hợp thông tin thiếu còn tai hại hơn không có thông tin. Chính vì vậy, cán bộ cần dựa vào những nguồn thông tin tin cậy để hình thành thái độ đúng đắn.
2. Hành vi ứng xử của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi chính sách.
Thái độ của cán bộ, công chức là trạng thái tinh thần thì hành vi ứng xử chính là hành động biểu hiện bên ngoài của thái độ. Bởi vậy đây cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu tâm lý của cán bộ, công chức đối với việc thực thi chính sách và hành vi ứng xử của người công chức thể hiện rõ nét nhất trong quá trình tiếp xúc, phổ biến chính sách đến nhân dân. Đây là một khâu khá quan trọng trong việc đưa chính sách đến với đối tượng quản lý (chủ yếu là nhân dân) và để chính sách được thực thi có hiệu quả. Vì vậy hành vi giao tiếp của cán bộ công chức khi tiếp xúc với nhân dân trong quá trình thực thi chính sách sẽ tạo ra những tác động tích cực hoặc tiêu cực tới hiệu quả chính sách. Đây cũng là vấn đề dư luận vẫn xôn xao nhắc đến bởi nó thể hiện những mặt nhược điểm nhiều hơn là ưu điểm. Hơn ai hết công chức phải biết rõ vai trò và cách cư xử như thế nào cho hợp lẽ đối với nhân dân, bởi cán bộ công chức thực chất là đầy tớ của dân, giúp dân thực hiện quyền làm chủ của mình, cũng là giúp nhân dân nắm bắt rõ nội dung chính sách của nhà nước đề ra mà trong đó nhân dân là đối tượng, là yếu tố điều chỉnh cốt lõi của chính sách. Hành vi trong giao tiếp của cán bộ, công chức đối với nhân dân có thể tạo ảnh hưởng tích cực đối với việc thực thi chính sách nếu như đó là những cử chỉ niềm nở, tươi tỉnh, thân thiện và luôn lắng nghe, từ tốn giải thích rõ ràng và truyền đạt đúng nội dung chính sách và những vấn đề mà nhân dân thắc mắc. Điều này sẽ giúp nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ hơn về các chính sách nhà nước và tất nhiên sẽ tạo ra thái độ tích cực của nhân dân đối với chính sách, giúp chính sách đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả mong muốn. Nhưng nếu như cán bộ công chức tỏ ra hống hách, cửa quyền, khi trao đổi với người dân nhất là khi trao đổi về những vấn đề liên quan đến chính sách thì điều này sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới việc hiểu một cách đúng đắn về chính sách của nhà nước và có thể chính sách đó sẽ khó đạt hiệu quả trong thực tiễn. Bởi khi người dân là đối tượng chính của chính sách mà không được hiểu rõ về nội dung chính sách thì rõ ràng họ không có phương hướng và cũng sẽ thờ ơ với chính sách nhất là khi người cán bộ là những người có thể giúp họ tìm hiểu và giải tỏa những thắc mắc liên quan đến chính sách thì lại tỏ ra hách dịch và xem thường họ. Chính những hành vi trên đã cản trở lớn tới việc chính sách được đưa vào đời sống và hiệu quả của chính sách.
3. Tinh thần của công chức
Tinh thần của công chức được thể hiện bằng sự thỏa mãn hay bất mãn mà người công chức cảm thấy đối với hoàn cảnh, điều kiện mình đang sống và làm việc. Nếu thỏa mãn,người đó sẽ hăng say, nhiệt tình trong công tác, nếu bất mãn, người đó sẽ thụ động, thậm chí đôi lúc tỏ ra tiêu cực trong công tác.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của công chức như tính chất công việc, tiền lương, thăng thưởng tương quan với các đồng nghiệp, sự quá tải trong công việc, thái độ của cấp trên, đồng nghiệp, thái độ của người phục vụ.
Những yếu tố trên ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới tinh thần công chức. Tuy nhiên sự ổn định công việc, tiền lương và chế độ lương bổng của chế độ công vụ chức nghiệp của nền hành chính nước ta luôn ảnh hưởng tích cực tới tinh thần công chức.
4. Những khác biệt về tâm lý người công chức.
- Tính chính trị, tư tưởng công chức: thể hiện khuynh hướng hoạt động, lập trường chính trị của người công chức, vì lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa xã hội.
- Về cái “tâm” và đạo đức công vụ: Nói lên ý thức, hành vi đạo đức, tính cách của người công chức.
“Tâm” người công chức là cái bên trong, thể hiện ra bên ngoài bằng đạo đức công vụ, bằng hành vi là được phục vụ Đảng, phục vụ nền hành chính nhân dân, không mang tính vụ lợi. Nó mang tính bao quát rộng hơn so với cán bộ của tổ chức kinh tế và một số tổ chức khác.
- Mối quan hệ xã hội đặc biệt: Bên trong và bên ngoài nền hành chính tạo nên phong cách riêng, đặc điểm tâm lý riêng.
- Ứng xử của công chức (hành vi công chức), phong cách làm việc – cách ứng xử từ người quản lý cao nhất đến người nhân viên tạo nên phong cách ứng xử của người công chức có tính thứ bậc, phục tùng.
- Thái độ của nhân viên đối với nhau: Tôn trọng, hợp tác.
- Thái độ của công chức đối với các sự kiện chính trị – xã hội, đối với từng vấn đề hành chính: có thái độ rõ ràng, tôn trọng luật pháp và chống lại những hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể: thái độ đối với các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, đối với kỳ họp Quốc hội quan trọng; thái độ của người công chức về nạn tham nhũng. Về những vụ án lớn, về một vụ bạo loạn xảy ra.
- Về hiểu biết của công chức: Sâu về chuyên môn và rộng về kiến thức xã hội.
- Về tính trách nhiệm của công chức hành chính: Chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của mình; khi sự việc xảy ra liên quan trực tiếp đến một hay nhiều cá nhân, tập thể, người thủ trưởng trực tiếp vẫn phải chịu trách nhiệm hành chính.
- Về uy tín của người công chức trong xã hội: được mọi người kính trọng, vị nể.
- Về phương pháp làm việc: có sự phân công, độc lập tương đối với nhau.
- Về năng lực công tác: Là tổ hợp các phẩm chất sinh lý – thần kinh và tâm lý bảo đảm cho người công chức thực hiện có kết quả chức trách, nghĩa vụ (nhiệm vụ) của mình. Năng lực của người công chức mang tính nghiệp vụ và chuyên môn hóa. Mỗi người đảm nhiệm một vị trí trong hệ thống cơ quan tổ chức hành chính và đòi hỏi có kỹ năng nghề nghiệp cao.
- Về sản phẩm lao động là các quyết định hành chính
Ngoài các quyết định hành chính, người công chức còn đưa ra những dựu báo về quy luật phát triển của hệ thống hành chính, của quản lý nhà nước trong tương lai. Những dự báo này được dựa vào sự nhận biết của quá khứ và hiện tại. Nó là những định hướng để nền hành chính phát triển.
Khác với các tổ chức kinh tế – chính trị – xã hội khác, sản phẩm của người công chức là các quyết định hành chính. Để có quyết định hành chính, người công chức được sử dụng quyền lực nhà nước phù hợp với quyền hạn của mình (được trao thẩm quyền).
- Về hiệu quả công việc: mang tính xã hội, thúc đẩy đất nước phát triển.


III. Một số hạn chế về tâm lý người công chức.
- Cơ cấu kinh tế của nước ta chủ yếu vẫn là nông nghiệp, các mối quan hệ xã hội dựa trên nền sản xuất nhỏ, do vậy còn có những mặt hạn chế về tâm lý của một số bộ phận công chức như: Tâm lý bình quân, cào bằng, ghét vượt trội, chưa thực sự coi trọng và phát huy hết tài năng của lớp trẻ, người lớn tuổi còn mặc cảm khi người ít tuổi hơn làm lãnh đạo, tự do, tùy tiện, thiếu tính kỷ luật, không có thói quen nhìn xa, cục bộ địa phương, tâm lý ăn xổi, ít chú ý đến cái chung, cái toàn cục, thói quen trọng “lệ” hơn “luật”.
- Chế độ công vụ của nhà nước ta theo chế độ chức nghiệp nên cũng có ảnh hưởng tới tâm lý công chức như: tâm lý ỷ lại, trông chờ, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm (càng ít càng tốt), không chủ động trong công việc, thiếu ý thức tiết kiệm trong chi tiêu, ý chí vươn lên yếu, dựa vào nhà nước để tìm kiếm cơ hội khác cho mình.
- Do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường nên tâm lý của một số công chức có những diễn biến về định hướng giá trị không lành mạnh, xu hướng thích làm giàu bất chấp cả những điều cấm của luật pháp, thích hưởng thụ, thể hiện ở lối sống, nếp nghĩ và lối ứng xử khác người dẫn tới thay đổi quan niệm: lối sống, chuẩn mực đạo đức, gia đình, nghề nghiệp, tư duy…và thay đổi cả quan hệ về tín ngưỡng, tôn giáo.
- Các chế độ, chính sách về tổ chức và cán bộ, về tiền lương còn nhiều điều chưa phù hợp, chưa tạo ra động lực thúc đẩy công chức làm việc tích cực.
- Lương công chức là lợi thế ổn định về thu nhập so với các ngành nghề khác, nhưng so với nhu cầu phát triển lương công chức ở nước ta vẫn còn ở mức chưa cao, làm cho:
+ Có một bộ phận công chức lợi dụng ngay chính quyền hạn, nhiệm vụ của mình để kiếm thêm thu nhập.
+ Một bộ phận công chức không toàn tâm, toàn ý mà phục vụ, còn “chân trong, chân ngoài” nhằn tăng thêm thu nhập ngoài lương làm ảnh hưởng xấu đến uy tín bản thân và nền hành chính.
- Khi thi hành công vụ, công chức được sử dụng quyền lực nhà nước phù hợp với chức trách được giao, nhưng cũng có một số công chức lạm quyền, tỏ ra hống hách, cửa quyền gây khó khăn phiền phức cho nhân dân, việc dễ biến thành phức tạp, vi phạm quy chế dân chủ.
- Trình độ công chức không đáp ứng được với nhiệm vụ được giao, do vậy khi giải quyết công việc không khoa học, tỏ ra quan liêu, dây dưa, kéo dài làm mất thời giờ của dân.
Đáng sợ nhất là do đạo đức, trách nhiệm công vụ kém gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực cho nền hành chính. Tính thụ động, cầu may, ăn xổi của tâm lý tiểu nông đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của cán bộ công chức trong khi thực thi chính sách nhà nước hiện nay. Tính thụ động của tân lý tiểu nông của cán bộ công chức hiện nay ảnh hưởng từ nền nông nghiệp truyền thống là một trở ngại cho hoạt động thực tiễm của họ. tính thụ động của những công chức là cán bộ quản lý làm cho họ kém ninh hoạt, năng động trong việc thực thi chính sách dẫn đến hoạt động đó trở nên đơn điệu, kém hiệu quả. Đây cũng là biểu hiện khá phổ biến của cán bộ lãnh đạo ở nhiều cơ quan, công sở nhà nước. Điều nà khiến nhân viên bị kìm hãm trong việc đưa ra những giải pháp của mình để triển khai chính sách nhà nước tốt.
- Thêm vào đó vẫn còn những hạn chế trong suy nghĩ của cán bộ công chức như chưa thay đổi được nếp nghĩ, tác phong làm việc của người tiểu nông. Đó là quan liêu, trì trệ, xa rời thực tế. Cán bộ công chức chưa có khả năng ứng xử thuyết phục trước công chúng. Việc giải thích nội dung của chính sách cho người dân hiểu còn lơ mơ, không rõ ràng dẫn đến chính sách khó đến được với người dân – đối tượng chính của chính sách.

III. Những tác động của chính sách đối với tâm lý cán bộ công chức.
a. Tác động tích cực:
Qua thực tiễn triển khai các chính sách mới của nhà nước đối với cán bộ công chức, cho thấy các chính sách này đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng ngày càng tích cực.
Nhà nước quy định rõ ràng cụ thể về cán bộ chuyên trách, công chức cùng với các tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức trách để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của mình. Các tiêu chuẩn về tuổi đời, học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ…là căn cứ để thực hiện việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ công chức trong tình hình mới. Điều này không những thôi thúc cán bộ công chức có ý thức tự giác rèn luyện nâng cao trình độ bản thân và năng lực cá nhân mà còn tạo tác phong công nghiệp trong hoạt động của công chức, đòi hỏi công chức luôn dồn hết lực vào công việc, có ý thức thực thi chính sách nhà nước với thái độ tích cực.
Về cơ bản các chế độ, chính sách mới của nhà nước đối với cán bộ, công chức cơ sở đã thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm tập trung sức kiện toàn và củng cố chính quyền. Các chế độ, chính sách của nhà nước đang dần tạo thành điểm hấp dẫn, thu hút người có năng lực tham gia vào bộ máy chính quyền cơ sở khiến các cán bộ đã công tác lâu năm trong cơ quan nhà nước cũng như những người trẻ tuổi có ước muốn trở thành cán bộ công chức cảm thấy phấn chấn và càng cố gắng phấn đấu để đạt được mục tiêu, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Cụ thể những tác động tích cực của một số chính sách:
– Chính sách tuyển dụng công chức bước đầu thu hút được sự quan tâm của người trẻ tuổi có trình độ cao. Sự đảm bảo công khai về tiêu chuẩn, đối tượng…đào tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả những người có mong muốn làm việc, phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân.Có nhiều phương án đưa ra để thu hut nhân tài vào trong cơ quan nhà nước, người tài được trọng dụng, tạo tâm lí phấn khởi, tích cực hưởng ứng chính sách.
– Chính sách đào tạo, bồi dưỡng với sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ về mọi mặt cho cán bộ, công chức được cử đi học cũng như có thể đảm bảo sử dụng sau đào tạo…đã tác động đến nhận thức của cán bộ, công chức về đào tạo, bồi dưỡng. Học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất trở thành nhu cầu cần thiết đối với họ để họ phục vụ chính quyền, phục vụ nhân dân tốt hơn. Nhờ đó chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được nâng cao, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức chuyển biến tích cực.
– Chính sách tiền lương: Việc thực hiện chế độ tiền lương thay thế chế độ sinh hoạt phí, đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho đội ngũ cán bộ, công chức. Những quy định cụ thể, rõ ràng về ngạch, bậc, hệ số, mức lương tương ứng cho cán bộ chuyên trách, công chức khá phù hợp, được đội ngũ này đón nhận tích cực.
Bên cạnh đó thời gian nâng lương của công chức đã được rút ngắn hơn so với trước.
Với việc quy định cho cán bộ, công chức cơ sở được hưởng lương từ ngân sách nhà nước thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với độ ngũ này. Điều này đã động viên lớn cả về vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức.
Thực tiễn đã chứng minh rằng từ khi được hưởng lương (cao hơn, ổn định hơn) người cán bộ công chức cơ sở có điều kiện nâng cao chất lượng và sự khuyến khích về tinh thần khiến người cán bộ, công chức phấn khởi, yên tâm công tác, mong muốn phục vụ lâu dài trong bộ máy chính quyền.
– Chính sách khen thưởng, kỷ luật đã góp phần nâng cao hơn ý thức trách nhiệm của người cán bộ công chức trong hoạt động công vụ. Với truyền thống văn hóa Việt Nam, mỗi cán bộ, công chức khi họ làm tròn bổn phận của mình với cơ quan, gia đình và cộng đồng sự thừa nhận công lao, đóng góp của mình. Sự khen thưởng kịp thời cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những tác động tích cực của chính sách đối với cán bộ đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển đời sống xã hội. Bởi các chính sách là nhân tố vô cùng quan trọng, đảm bảo cho việc nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền, của cả hệ thống.
b. Những vướng mắc của chính sách khi đi vào thực tiễn:
Bên cạnh những tác động tích cực, các chính sách của nhà nước cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, làm nảy sinh một số vấn đề vướng mắc khi đi vào thực tế:
– Thứ nhất, những nảy sinh từ việc tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức. Thực hiện tiêu chuẩn hóa và từng bước trẻ hóa đội ngũ cáo bộ, công chức cơ sở và những quy định về tiêu chuẩn hóa đối với các cán bộ công chức. Trên cơ sở đó, các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở mình; kết quả là một số công chức phải rời nền công vụ trước tuổi, nghỉ chế độ, không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Điều đó đã gây ra tâm lý lo lắng trong quá trình hoạt động cũng như làm việc của mình dẫn tới việc thực hiện các chính sách của nhà nước không được cao.
– Thứ hai, mức tiền lương hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của đời sống người cán bộ, công chức.Mặc dù nhà nước đã có nhiều bổ sung, sửa đổi về chính sách, tiền lương song sự điều chỉnh đó vẫn còn mang tính chắp vá, chưa đảm bảo được nguyên tắc chi cho tiền lương là chi đầu tư trực tiếp cho con người, chi đầu tư cho phát triển. Bởi mức lương tối thiểu vẫn còn quá thấp so với yêu cầu của đời sống trong tình hình gia tăng giá cả hàng hóa dịch vụ. Điều này gây khó khăn cho người cán bộ, công chức duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Do đó nhiều cán bộ công chức có suy nghĩ nên”chân trong chân ngoài” để nâng cao thu nhập.
– Thứ ba, chính sách đào tạo, bồi dưỡng mới chỉ tập trung vào mục tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức cơ sở mà chưa chú trọng đến việc đào tạo để nâng cao năng lực, đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển của tương lai.
– Thứ tư, chính sách tuyển dụng chưa có cơ chế để đảm bảo chế độ thi tuyển công chức cơ sở được tiến hành nghiêm túc, công khai. Ví dụ: quy định về kinh phí từ ngân sách nhà nước do thi tuyển, lệ phí thi tuyển mà người tham gia thi tuyển phải nộp. Bởi vậy sẽ dẫn đến những tiêu cực trong quá trình thi tuyển, thu hút nhân tài, tạo tâm lý tiêu cực cho một bộ phân những người tham gia thi tuyển có khi có thực tài nhưng vẫn không đỗ.
– Thứ năm, chính sách khen thưởng, kỷ luật: chưa có quy định xét nâng lương trước thời hạn cho công chức cấp xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chưa có quy định kỷ luật hạ ngạch đối với công chức cấp địa phương vi phạm nguyên tắc hoạt động công vụ, điều này làm nảy sinh những thái độ trái chiều của công chức, có thể trong cùng một cơ quan. Những người chăm chỉ tận tâm với công việc thì vẫn không được quan tam thích đáng, những người vi phạm(như ở cấp xã) thì cũng không bị xử lí nghiêm khắc, họ vẫn có thể tự tung tự tác và luôn có tâm lý không sợ vi phạm nguyên tắc.
– Thứ sáu, các chính sách ban hành chưa bảo đảm được tính đồng bộ, hệ thống đã gây ra khó khăn trong việc triển khai các chính sách của nhà nước đối với cán bộ, công chức chính quyền cơ sở. Mỗi chính sách chú trọng tới mục tiêu riêng, chưa gắn kết với nhau, chưa tạo ra cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy nhau và thúc đẩy sự phát triển khiến của ngũ cán bộ, công chức khó thực thi và vướng mắc.
– Thứ bảy, chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách của cấp cơ sở chưa thực sự hợp lý. Cán bộ, chuyên trách vừa là lực lượng giúp việc cho cán bộ vừa là nguồn bổ sung cho cán bộ chuyên trách và công chức tại đơn vị sở tại. Do đó về cơ bản họ phải đảm bảo các tiêu chuẩn như cán bộ chuyên trách: trẻ, khỏe, có trình đọ chuyên môn, có năng lực để làm việc hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đội ngũ này vẫn chưa nhận được sự động viên, khuyến khích thỏa đáng của nhà nước.
– Thứ tám, các chính sách được hoạch định và thực thi chưa quan tâm đến việc bảo đảm được quyền lợi cho cán bộ nữ. Chính sách được hoạch định hoàn toàn mang tính trung tính, việc thực thi tuân theo các chỉ tiêu, kế hoạch, không chú ý đến vai trò giới tính khác nhau của cán bộ nam và cán bộ nữ. Người cán bộ nữ ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao còn phải thực hiện chức năng làm mẹ, làm vợ trong gia đình, thực hiện vai trò đảm bảo “tái sản xuất xã hội”. Họ sẽ gặp phải khó khăn trong công tác, bị động trong việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ nếu cơ quan, tổ chức không khuyến khích tạo điều kiện cho họ. Bởi vậy cán bộ nữ chịu áp lực tâm lý nhiều hơn và khi được giao thực thi chính sách thì dễ bị chi phối bởi các công việc khác.
E Những hạn chế và vướng mắc của các chính sách khi đi vào thực tiễn đời sống đã làm giảm động lực thúc đẩy của các công cụ chính sách đối với quá trình xây dựng và phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cơ sở. Do đó nên quan tâm giải quyết các vấn đề nảy sinh, bổ sung và hoàn thiện chính sách đối với nhà nước trong công cuộc đẩy mạnh cải tạo nền hành chính hiện nay, và cũng cần phải chú trọng nhiều hơn tới những biểu hiện tâm lý của cán bộ công chức khi thực thi chính sách nhà nước. Bởi vấn đề tâm lý là một phần quan trọng và liên hệ tới bản lĩnh cá nhân, sự tự nhiên hay bó buộc của lao động, sự cải cách, sự tham chánh và các động cơ thúc đẩy cá nhân làm việc. Sự phân tích nơi làm việc và gia đình, sự phân tích mục tiêu riêng tư của cá nhân và mục tiêu của tổ chức cho thấy những vấn đề cực kỳ phức tạp. Đôi khi có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu cá nhân và mục tiêu của tổ chức. Cá nhân lợi dụng tổ chức để đạt mục tiêu riêng tư, còn tổ chức lợi dụng cá nhân để đạt mục tiêu của tổ chức.
IV. Một số nguyên nhân ảnh hưởng tới tâm lý cán bộ công chức khi thực thi chính sách nhà nước:
a. Tâm trạng của công chức đối với sự làm việc.
Sự làm việc là hoạt động của sinh vật, thường có những tác động như sau:
- Về phương diện kinh tế, cá nhân phải làm việc để thỏa mãn nhu cầu căn bản, cơm ăn, áo mặc, nhà ở.
- Về sinh lý, nhờ lao động, cá nhân vận dụng những năng lượng vật thể hay tinh thần tích trữ trong cơ thể và trí não. Sự thất thoát năng lượng cần thiết là để tránh bệnh tật hay sự mất thăng bằng vật chất hoặc tinh thần trong đời sống.
- Về tâm lý, có làm việc cá nhân mới tọai nguyện ý muốn, tham vọng, hoài bão, phát triển trí nhớ, sự thông minh, óc sáng tạo. Nhờ những khả năng tinh thần đó, con người mới thu lượm được những tiến bộ về khoa học, văn hóa và văn minh.
- Về xã hội, sự làm việc tạo nên cơ hội để thiết lập những tương quan giữa nhân viên trong một tổ chức hay giữa những tổ chức với nhau. Đặc tính trội của mối liên hệ kể trên là sự hợp tác. Nhưng, mặt khác, cũng có thể xảy ra sự cạnh tranh. Mâu thuẫn hay xung đột, nâng cao tinh thần đoàn kết và đồng đội rất cao.
Đối với sự làm việc, nhân viên thường có những tâm trạng sau đây. Lao động là một kế sinh nhai đối với đa số con người; nhưng không phải là sự kích thích duy nhất của sự làm việc.Tới một giới hạn nào đó nhân viên không thiết tha với tiền bạc, mà muốn được đáp ứng những nhu cầu khác: nhu cầu tinh thần hay nhu cầu xã hội. Khi một nhu cầu được thỏa mãn rồi cá nhân lại đi tìm nhu cầu khác phức tạp hơn để thỏa mãn. Ngoài những nhu cầu riêng biệt, trong lao động cán bộ còn chịu ảnh hưởng của nhiều người khác. Họ mong đợi, đặt kỳ vọng vào người thực thi chính sách những kỳ vọng này có thể dẫn đến sự xung đột giữa vai trò: vai trò phục vụ và vai trò xã hội.
Vai trò phục vụ được ấn định trong luật tổ chức, quy chế, các sơ đồ, bảng phân công. Phải làm sao để từng cá nhân thấy được sự an ninh cần thiết cả về vật chất và tinh thần mới rảnh rang tâm trí giành toàn bộ thời gian và sức lực vào việc thực thi chính sách.
Vai trò xã hội lệ thuộc và những giá trị khác biệt của nhiều người mà nhân viên thường tiếp xức có thể phân tách sự mong đợi trên thành hai loại: trong cơ quan và ngoài cơ quan.
Trong cơ quan, nhân viên phải phục vụ thế nào để phù hợp với sự mong đợi của cấp trên. Cấp trên thường mong muốn đương sự phải tận tâm, trung thành với mình. Phong cách của cấp trên ảnh hưởng rất nhiều tới thái độ của như đương sự trong quá trình thực thi chính sách. Nếu cấp trên có phong cách dân chủ thì cán bộ cấp dưới không thể làm việc theo kiểu độc đoán chuyên quyền được. Họ sẽ có quyền đưa ra những sáng kiến của mình để chính sách được thực thi một cách hiệu quả.
Sự mong đợi của các bạn đồng nghiệp cũng rất quan trọng. Họ có thể hợp tác nâng cao tinh thần đoàn kết và đồng đội, bảo nhau tự giác làm việc với năng suất cao không chờ cấp trên ấn định. Như thế chính sách sẽ được thực thi một cách linh hoạt mà vẫn đảm bảo những nguyên tắc và mục tiêu chính sách đề ra.
Cán bộ còn chịu ảnh hưởng của cấp dưới do họ điều khiển. Những người này đôi khi có quan niệm, quyền lợi trái ngược với quan niệm và quyền lợi của cấp trên nên đôi khi sẽ tạo ra những hiềm khích, thù hằn cá nhân và sẽ tỏ ra chống đối với các quyết định của cán bộ cấp trên nhất là trong việc thực thi chính sách nhà nước.
Ngoài cơ quan , những ảnh hưởng mà cá nhân phải chịu đựng còn phức tạp hơn. Trước hết gia đình đặt nhiều kì vọng vào cán bộ, họ có thể gián tiếp hoặc trực tiếp xen lẫn, tham gia vào việc công của cán bộ. Bạn bè quen thuộc cũng mong đợi nhiều ở cán bộ với quan niêm “ một người làm quan cả họ được nhờ”. Điều này chi phối rất lớn đến tâm lý cán bộ khi thực thi chính sách của nhà nước. Có thể làm cho họ công- tư không phân minh và dẫn đến sự lệch hướng trong việc triển khai những mục tiêu của chính sách.
Tính thụ động, cầu may, ăn xổi của tâm lý tiểu nông đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của cán bộ công chức trong khi thực thi chính sách nhà nước hiện nay. Tính thụ động của tân lý tiểu nông của cán bộ công chức hiện nay ảnh hưởng từ nền nông nghiệp truyền thống là một trở ngại cho hoạt động thực tiễm của họ. tính thụ động của những công chức là cán bộ quản lý làm cho họ kém ninh hoạt, năng động trong việc thực thi chính sách dẫn đến hoạt động đó trở nên đơn điệu, kém hiệu quả. Đây cũng là biểu hiện khá phổ biến của cán bộ lãnh đạo ở nhiều cơ quan, công sở nhà nước. Điều nà khiến nhân viên bị kìm hãm trong việc đưa ra những giải pháp của mình để triển khai chính sách nhà nước tốt.

IV.Giải pháp
Yếu tố ảnh hưởng lớn đến thái độ tiêu cực của công chức khi thực thi chính sách nhà nước chủ yếu là do họ không được đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hoạt động, không tạo ra được sự kích thích về động lực cho cán bộ hăng hái hơn với công việc và cũng một phần là do chính bản thân cán bộ, công chức, do trình độ, năng lực còn yếu chưa đấp ứng đủ yêu cầu của người cán bộ thực thi chính sách nhà nước.
Từ một số lý do trên chúng tôi đề xuất những kiến nghị nhằm đưa chính sách nhà nước đi vào thực thi có hiệu quả hơn và để cán bộ công chức tích cực hơn với việc thực thi chính sách.
· Thứ nhất, về công tác hoạch định chính sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành chính sách nhất là chính sách đối với cán bộ công chức:
+ Trước hết việc hoạch định chính sách phải dựa theo những căn cứ về chính trị, pháp luật, kinh tế…
Chính sách ban ra phải bám sát chủ trương đường lối và định hướng của Đảng, Nhà nước sẽ tạo ra tầm nhìn chiến lược cho tương lai. Các chính sách ban ra không được trái quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy khi hoạch định chính sách phải có sự tìm tòi, phân tích các hệ thống chính sách đã ban hành tránh chồng chéo để công chức có thể dễ dàng thực thi chính sách mà không bị vướng mắc vào các lỗi mà có thể đã mắc phải trong chính sách đã ban hành trước đó. Ngoài ra trong tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay, tuy khó có thể xây dựng một chính sách đãi ngộ lớn để đưa vào thực tế vì nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng cần có chính sách tăng tiền lương,thưởng cho cán bộ, công chức để họ có động lực hoạt động tích cực hơn với việc thi hành chính sách. Nhất là đối với những cán bộ đang trực tiếp thực thi chính sách nhà nước. Có chăng nên tăng chế độ tiền thưởng riêng cho họ. Các chính sách ban ra cũng nên căn cứ vào mức sống của cán bộ, công chức, tình trạng công việc, sự công bằng xã hội, trình độ cán bộ công chức là tiền đề để xây dựng các chính sách cho phù hợp với thực tế. Xác định rõ ràng các vấn đề chính sách nhất là chính sách liên quan đến cán bộ. Phải tạo ra hệ thống chính sách đảm bảo về vật chất và tinh thần đồng thời phải tạo ra điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn. Có như vậy mới tạo ra đủ điều kiện để chính sách đi vào thực tế có hiệu quả không những với những chính sách liên quan đến lợi ích của cán bộ công chức mới nhận được sự quan tâm của chính cán bộ công chức mà những chính sách về các vấn đề khác như: an toàn vệ sinh thực phẩm, xóa đói giảm nghèo…cũng nhận được sự hưởng ứng và thái độ tích cực khi cán bộ, công chức thực thi.
Bên cạnh đó cơ quan hoạch định chính sách phải luôn tạo điều kiện để cán bộ làm công tác hoạch định chính sách đi sâu, đi sát vào tình hình thực tế, chấm dứt bệnh quan liêu chỉ nhìn từ trên và đánh giá tình hình thực trạng và xây dựng chính sách theo góc độ một phía. Cơ quan hoạch định nên tạo điều kiện để những người làm công tác hoạch định chính sách làm việc như một cán bộ cấp cơ sở hoặc sống như những đối tượng sẽ được đưa vào làm đối tượng chính trong chính sách khoảng 1-2 tháng để giúp họ hiểu hơn về tâm lý của cán bộ chính quyền cấp cơ sở về những khó khăn thực tế mà họ gặp phải và tình hình thực tiến đời sống xã hội của vấn đề chính sách.
Khi chính sách còn là dự thảo cần xin ý kiến đóng góp thì phải trực tiếp lấy ý kiến của những người sẽ là đối tượng chính của chính sách, họ sẽ nhận thấy rõ ràng mặt được và chưa được của chính sách để góp ý kiến chuẩn xác, tránh tình trạng quá máy móc.
+ Đối với một số chính sách cụ thể:
– Chính sách tiền lương: đây là chính sách cơ bản trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ và cũng chi phối rất lớn tới thái độ làm việc, thực thi các chính sách khác của cán bộ, công chức. Chính sách tiền lương phải tạo ra động lực khuyến khích các cán bộ làm việc tận tâm, tận lực với công việc. Đảm bảo mức sống cho họ và gia đình. Tạo điều kiện để cán bộ yên tâm công tác và tham gia học tập nâng cao trình độ năng lực, không phải lo làm ngoài nuôi sống gia đình và bản thân.
– Chính sách về chế độ khen thưởng:
Chính sách về chế độ khen thưởng phải phù hợp và xứng đáng với công sức cán bộ công chức đã bỏ ra, tạo động lực thôi thúc cán bộ năng nổ hoạt động, tận tâm với công tác góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Cũng cần có chính sách khen thưởng khác nhau đối với từng mức độ thành quả hoạt động của công chức, không những thế cũng cần có chính sách phạt đối với cán bộ công chức vi phạm hoặc có thái độ tiêu cực đối với công việc. Điều này sẽ tạo ra sự đánh giá chính xác năng lực và thái độ của công chức đối với chủ trương, đường lối của Đảng cũng như những sách của nhà nước.

– Chính sách đào tạo, bồi dưỡng:
Trong hoạch định chính sách này phải dựa trên thực tế tình trạng đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta, phải nắm bắt được sự chênh lệch về trình độ các cán bộ giữa các vùng chia ra các chính sách đào tạo bồi dưỡng cho phù hợp. Cần tạo ra không khí hamtìm tòi, thi đua học hỏi, nâng cao trình độ đáp ướng yêu cầu của công việc cũng như yêu cầu đối với cán bộ công chức khi thực thi chinh sách nhà nước.

· Thứ hai về vấn đề thực thi chính sách ở địa phương.
Đây là quá trình biến các thiết kế, ý đồ ở trên giấy tờ bằng kết quả trên thực tế thông qua một hệ thống cơ quan, tổ chức để đạt được mục tiêu chính sách đề ra.
Vì vậy cần chú ý:
Năng lực của cơ quan thực thi chính sách: nếu năng lực còn yếu, chưa đủ tiêu chuẩn thực thi chính sách hoặc đã thực thi nhưng không đúng với chính sách của cấp trên thì sẽ làm ảnh hưởng tới chính sách và còn mất niềm tin trong dân chúng. Nhất là năng lực của cán bộ công chức thực thi chính sách, lựa chọn cán bộ có thực tài và trình độ, biết ứng xử và thật sự tân tâm với công việc vì họ là người trực tiếp tiếp xúc với dân. Thái độ của họ ảnh hưởng lớn tới việc tác động vào niềm tin của quần chúng đối với chính sách nhà nước, uy tin của cơ quan.
Kinh phí cần để thực thi chính sách: Kinh phí đối với cán bộ chính quyền dựa vào kinh phí nhà nước. Vì vậy trong thực tế nguồn kinh phí dành cho cán bộ trong việc thực thi chính sách có thể sẽ hạn hẹp.Tuy nhiên cũng nên lưu ý, cung cấp đầy đủ, kịp thời kinh phí để họ làm việc, yên tâm công tác.
Trình độ năng lực của người phụ trách thực thi chính sách cũng ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách, ngoài ra thái độ của cán bộ đối với chính achs cũng là yếu tố quyết điịnh tới hiệu quả của chính sách. Vì vậy cần giao chính sách cho người có đủ năng lực, có cái nhìn tích cực đối với chính sách để áp dụng chính sách đúng và chuẩn xác.
Thủ tục hành chính hiện tại qúa rườm rà, nhiều văn bản gây khó khăn cho người thực thi. Đôi khi tạo cho cán bộ tâm lý chán nản, ngại khó và không đủ nhiệt tình và quyết tâm thực thi chính sách.
Củng cố phát triển mối quan hệ trong chính bộ máy thực thi chính sách đối với cán bộ chính quyền cấp cơ sở mà cụ thể là mối quan hệ giữa cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới tạo thành mối liên kết có sự chỉ đạo, định hướng cho cán bộ công chính thực thi chính sách đúng nguyên tắc, mục tiêu và quan điểm, đường lối của Đảng, nhà nước.
· Thứ ba, vấn đề đánh giá chính sách:
Phần lớn việc đánh giá chính sách mới chỉ dựa trên những báo cáo tình hình thực hiện chính sách nên không mang tính thực tiễn cao.
Đánh giá chính sách dựa trên thực tế kết quả thu được sẽ chỉ ra những thiếu sót trong việc thực thi, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc đồng thời còn tránh việc lợi dụng ngân sách quốc gia để phục vụ lợi ích cá nhân. Đồng thời đánh giá chính sách cũng là ghi nhận những nỗ lực mà cán bộ , công chức trong quá trình thực thi đã bỏ ra. Để họ thấy rằng những cố gắng đã bỏ ra cũng đã đạt được thành quả và được nhà nước đánh giá, ghi nhận và sẽ tạo ra tâm lý sẵn sàng đón nhận những thử thách mới, chính sách mới.
C. KẾT LUẬN
Đội ngũ cán bộ công chức giữ vị trí rất quan trọng trong việc triển khai, tổ chức thực hiện mọi chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước. Họ là những người gần dân nhất, sát dân nhất hằng ngày tiếp xúc và trực tiếp giải quyết những vấn đề thắc mắc của người dân. Vì vậy ngoài trình độ năng lực cán bộ còn phải là người có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm tận lực với công tác. Hoạt động của những cán bộ chính quyền có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của chính sách và được đánh giá thông qua sự ổn định về chính trị kinh tế-xã hội ở địa phương. Để nâng cao năng lực, trình độ cũng như tinh thần trách nhiệm của người cán bộ thì cần giải quyết tốt nhu cầu vật chất tinh thần của họ. Chế độ chính sách phù hợp sẽ tạo ra cơ sở cho cán bộ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của thời kì mới.
Việc xây dựng hệ thống chính sách đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cán bộ công chức cũng như nguyện vọng của công dân là điều quan trọng để tạo ra tâm lý tích cực cho cán bộ công chức khi thực thi chính sách nhà nước.Để điều đó được thực hiện cần có sự quan tâm của Đảng và nhà nước, đồng thời có sự thống nhất về quan điểm xây dựng hệ thống chính sách đối với cán bộ để áp dụng cho phù hợp.


Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà chumoc
Trả lời nhanh

Back to topMessage [Page 1 of 1]

  © FMvi.vn

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết liên quan

    Quyền hạn của bạn:

    You cannot reply to topics in this forum

    • Free forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com