Change background image
OAPA Forum- Cộng Đồng nhân sự Việt


Go downMessage [Page 1 of 1]

© FMvi.vn

Wed Sep 29, 2010 3:44 pm
doclegiang
doclegiang

luật tổ chức hội đồng nhân dân ủy ban nhân dân p1 Mod-1

Chương III

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT
CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN,
THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN,
CÁC BAN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Mục 1

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT
CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Điều 57

Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân được tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Giám sát của Hội đồng nhân dân bao gồm: giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp; giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân và giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 58

Hội đồng nhân dân giám sát thông qua các hoạt động sau đây:

1. Xem xét báo cáo công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp;

2. Xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cùng cấp;

3. Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp khi phát hiện có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp;

4. Thành lập Đoàn giám sát khi xét thấy cần thiết;

5. Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.

Điều 59

Hội đồng nhân dân quyết định chương trình giám sát hàng năm của mình theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và kiến nghị của cử tri ở địa phương.

Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm của năm trước và tổ chức thực hiện chương trình đó.

Điều 60

1. Tại kỳ họp cuối năm, Hội đồng nhân dân xem xét, thảo luận báo cáo công tác hàng năm của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Tại kỳ họp giữa năm, các cơ quan này gửi báo cáo công tác đến đại biểu Hội đồng nhân dân; khi cần thiết, Hội đồng nhân dân có thể xem xét, thảo luận.

Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Hội đồng nhân dân có thể yêu cầu Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp báo cáo về những vấn đề khác khi xét thấy cần thiết.

2. Các báo cáo công tác quy định tại khoản 1 Điều này, trừ các báo cáo của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân, phải được các Ban của Hội đồng nhân dân thẩm tra theo sự phân công của Thường trực Hội đồng nhân dân.

3. Hội đồng nhân dân xem xét, thảo luận báo cáo theo trình tự sau đây:

a) Người đứng đầu cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này trình bày báo cáo;

b) Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân trình bày báo cáo thẩm tra;

c) Hội đồng nhân dân thảo luận;

d) Người đứng đầu cơ quan trình báo cáo có thể trình bày thêm những vấn đề có liên quan mà Hội đồng nhân dân quan tâm;

đ) Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về báo cáo công tác khi xét thấy cần thiết.

Điều 61

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện như sau:

1. Đại biểu Hội đồng nhân dân ghi rõ nội dung chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu ghi chất vấn và gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân chuyển chất vấn đến người bị chất vấn và tổng hợp các chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân để báo cáo Hội đồng nhân dân;

2. Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn và báo cáo Hội đồng nhân dân quyết định;

3. Việc trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể của Hội đồng nhân dân được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Người bị chất vấn trả lời trực tiếp, đầy đủ về các nội dung mà đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn và xác định rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục;

b) Đại biểu Hội đồng nhân dân có thể nêu câu hỏi liên quan đến nội dung đã chất vấn để người bị chất vấn trả lời.

Thời gian trả lời chất vấn do Hội đồng nhân dân quyết định;

c) Sau khi nghe trả lời chất vấn, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân tiếp tục thảo luận tại phiên họp đó, đưa ra thảo luận tại phiên họp khác của Hội đồng nhân dân hoặc kiến nghị Hội đồng nhân dân xem xét trách nhiệm của người bị chất vấn. Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết.

Điều 62

1. Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của mình thì Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc bãi bỏ văn bản đó.

2. Hội đồng nhân dân xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của mình theo trình tự sau đây:

a) Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân trình văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;

b) Hội đồng nhân dân thảo luận.

Trong quá trình thảo luận, người đứng đầu cơ quan đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể trình bày bổ sung những vấn đề có liên quan;

c) Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về việc văn bản quy phạm pháp luật không trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó.

Điều 63

Khi thực hiện nhiệm vụ giám sát do Hội đồng nhân dân giao, Đoàn giám sát có trách nhiệm:

1. Thông báo nội dung, kế hoạch giám sát cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là bảy ngày trước ngày bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát;

2. Mời đại diện Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận và yêu cầu đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có liên quan tham gia giám sát; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này;

3. Thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát và thẩm quyền, trình tự, thủ tục giám sát theo quy định của pháp luật; không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát;

4. Trong trường hợp cần thiết, Đoàn giám sát yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để chấm dứt hành vi vi phạm, xử lý người vi phạm nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị vi phạm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu, kiến nghị qua hoạt động giám sát của mình.

Điều 64

Căn cứ vào kết quả giám sát, Hội đồng nhân dân có các quyền sau đây:

1. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp;

2. Ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết;

3. Miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Trưởng Ban và các thành viên khác của các Ban của Hội đồng nhân dân, Hội thẩm nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật;

4. Quyết định giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân.

Điều 65

1. Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo trình tự sau đây:

a) Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân về việc bỏ phiếu tín nhiệm;

b) Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Hội đồng nhân dân;

c) Hội đồng nhân dân thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm.

2. Trong trường hợp không được quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để bầu người đó có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm người không được Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

Mục 2

GIÁM SÁT CỦA THƯỜNG TRỰC
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Điều 66

Thường trực Hội đồng nhân dân có quyền giám sát hoạt động của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân, hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Điều 67

Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định chương trình giám sát hàng quý, hàng năm của mình căn cứ vào chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân và ý kiến của các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân, đề nghị của các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương.

Căn cứ vào chương trình giám sát đã được thông qua, Thường trực Hội đồng nhân dân phân công thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện các nội dung trong chương trình; có thể giao các Ban của Hội đồng nhân dân thực hiện một số nội dung thuộc chương trình và báo cáo kết quả với Thường trực Hội đồng nhân dân khi cần thiết.

Điều 68

1. Căn cứ vào chương trình giám sát của mình hoặc theo yêu cầu của Hội đồng nhân dân, đề nghị của các Ban của Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định thành lập Đoàn giám sát.

Quyết định của Thường trực Hội đồng nhân dân về việc thành lập Đoàn giám sát phải xác định rõ nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Nội dung, kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát được thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là bảy ngày, trước ngày Đoàn bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát.

2. Đoàn giám sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát trong nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát;

b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung giám sát, giải trình những vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm;

c) Xem xét, xác minh những vấn đề mà Đoàn giám sát thấy cần thiết;

d) Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;

đ) Chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc hoạt động giám sát, Đoàn giám sát phải có báo cáo kết quả giám sát gửi Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân về hoạt động giám sát của mình giữa hai kỳ họp.

Điều 69

Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tổ chức Đoàn giám sát hoặc giao cho các Ban của Hội đồng nhân dân giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương.

Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, xem xét trách nhiệm, xử lý người vi phạm, khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm, đồng thời yêu cầu người có thẩm quyền xem xét, giải quyết; nếu không đồng ý với việc giải quyết của người đó thì yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân và phải báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định giải quyết.

Điều 70

Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trong trường hợp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Điều 71

Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hoặc khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu.

Điều 72

Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận kiến nghị, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân để chuyển đến người bị chất vấn; thông báo cho người bị chất vấn thời hạn và hình thức trả lời chất vấn.

Điều 73

Thường trực Hội đồng nhân dân điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; tổng hợp kết quả giám sát, trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định xử lý theo thẩm quyền.

Mục 3

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA CÁC BAN
CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Điều 74

Trong hoạt động giám sát, các Ban của Hội đồng nhân dân có những nhiệm vụ sau đây:

1. Giúp Hội đồng nhân dân giám sát hoạt động của Uỷ ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân và hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp;

2. Giúp Hội đồng nhân dân giám sát cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Điều 75

Các Ban của Hội đồng nhân dân giúp Hội đồng nhân dân giám sát thông qua các hoạt động sau đây:

1. Thẩm tra các báo cáo, đề án do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công;

2. Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trong trường hợp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp;

3. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu Uỷ ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp báo cáo về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách;

4. Tổ chức Đoàn giám sát;

5. Cử thành viên đến cơ quan, tổ chức hữu quan để xem xét, xác minh về vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban;

6. Tổ chức nghiên cứu, xử lý và xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Điều 76

Các Ban của Hội đồng nhân dân quyết định chương trình giám sát hàng quý, hàng năm của mình căn cứ vào chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân và ý kiến của các thành viên của Ban.

Điều 77

1. Các Ban của Hội đồng nhân dân tổ chức phiên họp thẩm tra báo cáo của Uỷ ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp theo sự phân công của Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân.

2. Việc thẩm tra báo cáo quy định tại khoản 1 Điều này được tiến hành theo trình tự sau đây:

a) Người đứng đầu cơ quan có báo cáo trình bày báo cáo;

b) Đại diện cơ quan, tổ chức được mời dự phiên họp phát biểu ý kiến;

c) Các thành viên của Ban thảo luận;

d) Chủ tọa phiên họp kết luận.

3. Báo cáo thẩm tra của Ban được gửi đến Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân.

Điều 78

1. Các Ban của Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên theo dõi việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp.

2. Trong trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết quy định tại khoản 1 Điều này có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp thì các Ban của Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thông báo cho Ban của Hội đồng nhân dân biết việc giải quyết; quá thời hạn nói trên mà không trả lời hoặc giải quyết không đáp ứng với yêu cầu thì Ban của Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

Điều 79

1. Căn cứ vào chương trình giám sát của mình hoặc qua giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, qua phương tiện thông tin đại chúng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc được Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân giao thì Ban của Hội đồng nhân dân tổ chức Đoàn giám sát của Ban.

Việc thành lập Đoàn giám sát, nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát do Ban quyết định.

Nội dung, kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát được thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là bảy ngày, trước ngày Đoàn bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát.

2. Đoàn giám sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông báo nội dung, kế hoạch giám sát cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, chậm nhất là bảy ngày trước ngày bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát;

b) Mời đại diện Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia giám sát và yêu cầu đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia giám sát; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này;

c) Thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát và thẩm quyền, trình tự, thủ tục giám sát theo quy định của pháp luật; không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát;

d) Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, Đoàn giám sát yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để chấm dứt hành vi vi phạm, xử lý người vi phạm, khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm;

đ) Chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày kết thúc hoạt động giám sát, Đoàn giám sát phải báo cáo kết quả giám sát với Ban.

Điều 80

1. Căn cứ vào tính chất, nội dung của vấn đề được giám sát, Ban tổ chức phiên họp của Ban để xem xét, thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát.

2. Trình tự xem xét báo cáo của Đoàn giám sát được tiến hành như sau:

a) Trưởng Đoàn giám sát trình bày báo cáo;

b) Đại diện cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;

c) Ban thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát;

d) Chủ tọa phiên họp kết luận; Ban biểu quyết khi xét thấy cần thiết.

3. Ban gửi báo cáo kết quả giám sát đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân, đồng thời gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Báo cáo phải nêu rõ kiến nghị về các biện pháp cần thiết.

Điều 81

Trong khi thi hành nhiệm vụ, các Ban của Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu Uỷ ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội ở địa phương cung cấp những thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến hoạt động giám sát. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của các Ban của Hội đồng nhân dân. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, xem xét trách nhiệm, xử lý người vi phạm, khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm.

Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà doclegiang
Trả lời nhanh

Back to topMessage [Page 1 of 1]

  © FMvi.vn

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết liên quan

    Quyền hạn của bạn:

    You cannot reply to topics in this forum

    • Free forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com