Change background image
OAPA Forum- Cộng Đồng nhân sự Việt


Go downMessage [Page 1 of 1]

© FMvi.vn

Tue Jun 07, 2011 3:41 pm
admin
admin

Giao lưu trực tuyến: 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã nghèo Admin

Ngày 26/5, Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức giao lưu trực tuyến với bạn đọc về “Tăng cường 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo”.

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 1/2011, Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo thanh niên.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của trái tim, nhiều trí thức trẻ đã thể hiện nhiệt huyết được đóng góp sức lực, tài năng để phát triển mọi vùng, miền của Tổ quốc, nhất là các xã thuộc 62 huyện nghèo.

Nhưng cũng có bạn trẻ chưa hiểu và chưa tiếp cận đầy đủ với quy định, chế độ, nghĩa vụ mà Dự án đề ra.

Để làm rõ các vấn đề liên quan đến Dự án, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Tăng cường 600 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo”.

Tham dự cuộc giao lưu có:

- Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án

- Ông Dương Văn An - Bí thư Trung ương Đoàn

- Ông Vũ Đăng Minh - Giám đốc Ban Quản lý Dự án 600 PCT xã

- Nguyễn Văn Thành – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu

- Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên

- Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái

- Ông Nguyễn Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang

- Ông Thào Gà Nếnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La

và các bạn tri thức trẻ.










MC: Từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự án này, tòa soạn đã nhận được hàng ngàn câu hỏi quan tâm của độc giả, nhất là các bạn trẻ, những người đang mong muốn trở thành đội viên dự án trong tương lai. Câu hỏi đầu tiên của bạn Thí thị Hiền, Bắc Kạn, cũng là thắc mắc của các độc giả: Nguyễn Văn Hưng (nguyenhung1908@gmail.com); Nguyễn Duy Tân (Duytan.nguyen88@gmail.com); Lương Văn Nguyên, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 1- đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội; Trần Lợi (loiviettu0987@gmail.com); Bùi Hữu Dân (huudan1985@gmail.com) và rất nhiều bạn trẻ khác. Câu hỏi như sau: Thưa tòa soạn, để được làm đội viên dự án thì tôi phải đạt được những tiêu chuẩn nào? Tôi lấy hồ sơ ở đâu? Nộp tại cơ quan nào và đóng lệ phí là bao nhiêu tiền?

Ông Vũ Đăng Minh: Theo quyết định của Thủ tướng, có những tiêu chuẩn cũng như là thanh niên, quốc tịch Việt Nam, dưới 30 tuổi, tốt nghiệp Đại học trở lên, sức khỏe tốt. Quan trọng hơn, bạn phải có tinh thần xung kích tình nguyện, chịu đựng khó khăn gian khổ để cùng bà con các huyện nghèo phát triển KTXH.

Về hồ sơ, để thuận tiện, chúng tôi xây dựng 2 phương thức, một là thông báo trên mạng mẫu đơn mẫu hồ sơ. Các bạn có thể tải về từ trang web của Bộ Nội vụ tại địa chỉ moha.gov.vn hoặc trang web của Trung ương Đoàn,

















Hai là có thể lấy trực tiếp từ 63 sở nội vụ và các phòng nội vụ.

Hồ sơ nộp về 2 nơi, một là UBND tỉnh có các huyện nghèo, hai là Ban quản lý dự án tại số 8A Tôn Thất Thuyết, Hà Nội. Hiện hầu hết các bạn trẻ đều nộp hồ sơ đúng địa chỉ.

Đây là một dự án hoàn toàn tình nguyện, nên kinh phí từ tuyển chọn, làm hồ sơ đến các khâu khác đều là do Nhà nước lo. Các bạn không phải đóng một loại lệ phí nào.

Bạn Nguyễn Thị Hoài (sinh viên trường Đại học Sư phạm): Trong Dự án không thấy nhắc đến việc tuyển các đội viên có chuyên ngành y tế, sư phạm. Vậy có thiệt thòi cho những sinh viên học ngành này ra không trong khi vùng sâu, xa, đồng bào lại rất cần đến y tế và học hành?

Ông Vũ Đăng Minh: Trong dự án cũng đã điều tra khảo sát thực tế tại các tỉnh, huyện nghèo, xã nghèo như tại Điện Biên, Lai Châu, phỏng vấn cán bộ chủ chốt về nhu cầu tuyển dụng.

Nhu cầu chung, theo thống kê, là các địa phương mong muốn có cán bộ làm việc về một số chuyên ngành như nông lâm ngư nghiệp, kinh tế, kỹ thuật, luật, hành chính, tài chính... để giúp các xã thuộc huyện nghèo trước mắt thực hiện Nghị quyết 30a, thứ hai là khuyến nông khuyến lâm, phát triển KT-XH.

Từ nhu cầu địa phương, trong Dự án, chúng tôi đưa ra một số chuyên ngành cụ thể để tuyển dụng. Chúng tôi cũng xem xét trên thực tế về năng lực, tâm huyết của các bạn trẻ để tuyển chọn phù hợp với địa phương.

Bạn Văn Lâm có địa chỉ thư: Manh-23450@yahoo.com.vn: Nhà nước nên thí điểm, vận động và hợp đồng với một số cán bộ hưu trí nhiệt tình, còn sức khỏe, có kinh nghiệm quản lý kinh tế xã hội để điều đến làm cố vấn cho những xã vùng cao còn lạc hậu về kinh tế trong vòng 3-5 năm bên cạnh các đội viên trẻ trong dự án? Ông nghĩ sao về phát kiến này?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Xin cảm ơn và ghi nhận ý kiến của bạn, tuy nhiên, trong phạm vi dự án, chưa đề cập đến các việc này. Dự án chỉ tập trung vào tuyển các trí thức trẻ có trình độ đại học.



Trịnh Thu Trang (Đại học Kinh tế Quốc dân Thành phố HCM): Tôi biết là ngoài chuyên môn thì quan trọng là cần biết tiếng dân tộc nơi mình được phân công đến làm. Dự án có ưu tiên cho những thí sinh biết tiếng dân tộc hay không? Thứ tiếng dân tộc nào được ưu tiên?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Dự án ưu tiên trước hết cho người dân địa phương, thứ hai là biết tiếng dân tộc hoặc là người dân tộc. Tuy nhiên, ưu tiên dân tộc nào hoặc tiếng dân tộc nào thì tùy thuộc địa bàn và do hội đồng tuyển dụng tại đó. Ví dụ tại xã, huyện có đông dân tộc nào hoặc cần tiếng dân tộc nào thì sẽ do hội đông tuyển dụng xem xét đối tượng đó.

Độc giả Linh Do (linh.bhld.haiphong@gmail.com) và một số bạn du học sinh: Hôm nay được đọc thông tin về dự án 600 phó chủ tịch xã, tôi thấy đây là một cơ hội để thanh niên tôi luyện, cùng bà con xây dựng quê hương. Tôi là một sinh viên đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam và đang theo học ở nước ngoài vậy xin hỏi dự án có chính sách tuyển dụng cho đối tượng là du học sinh không? Nếu có thì cần đạt tiêu chuẩn gì? Xin cảm ơn.

Ông Vũ Đăng Minh: Chúng tôi đã tuyên truyền để thanh niên trong và ngoài nước biết về mục tiêu và nội dung dự án, để thanh niên mọi miền đất nước cũng như công tác tại nước ngoài đăng ký tham gia nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có tinh thần xung kích, tình nguyện.

Chúng tôi cũng đã nhận được điện thoại trực tiếp của nhiều bạn đang học thạc sỹ tại Australia, Mỹ, New Zealand để hỏi xem có được tham gia dự án không và nếu có thì phải có điều kiện, tiêu chuẩn gì. Chúng tôi đều gửi thư điện tử trả lời các bạn và có gửi đính kèm toàn bộ các thông tin về dự án để các bạn tham khảo.

Tóm lại, cơ hội dành cho các bạn (cả trong và ngoài nước) là như nhau, điều cơ bản là có tinh thần xung kích, tình nguyện.

Bạn đọc Quỳnh Giang (Trà Vinh): Tôi hiểu đây là Dự án của Bộ Nội vụ, nó khác với các cuộc phong trào của thanh niên nhưng dự án vẫn cần nhân tố thanh niên. Vậy sao không đưa dự án về Đoàn thanh niên để tiện quản lý và khởi động cho tốt hơn?

Ông Dương Văn An: Thực tế thời gian qua, TƯ Đoàn đã có nhiều dự án đưa thanh niên, trí thức trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa. Ví dụ giai đoạn 2001 -2003 có dự án đưa bác sĩ, y sĩ về nông thôn miền núi . Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Y tế, địa phương triển khai và đã đưa được 500 bác sỹ, y sĩ về các vùng này. Dự án này đã rất thành công.

Giai đoạn 2003 -2005, kế thừa dự án đo, TƯ Đoàn tiếp tục đưa 1.000 trí thức trẻ về nông thôn miền núi, ở nhiều lĩnh vực hơn, có bác sỹ, giáo viên, kỹ sư nông lâm, kỹ sư nông nghiệp và dự án cũng rất thành công. Sau dự án, 40% trí thức trẻ đã được giữ lại công tác.

Kế thừa các thành công trên, TƯ Đoàn tiếp tục đề xuất với Thủ tướng về việc triển khai dự án tuyển chọn, bố trí sử dụng 1000 công chức trẻ. Tuy nhiên, sau khi nghe trình bày, Thủ ướng cho rằng, điều quan trọng bây giờ là tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ giữ chức danh lãnh đạo tập trung vào các xã thuộc huyện nghèo. Do vậy, dự án này chuyển sang thành dự án tuyển 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã.

Tôi nghĩ, dự án này khác với các dự án trước là các bạn trẻ tình nguyện sẽ được bố trí chức danh Phó Chủ tịch UBND xã. Đây là một chức danh liên quan đến Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Cán bộ công chức, do đó, Bộ Nội vụ làm đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được Chính phủ phân công, quản lý Nhà nước về cán bộ, công chức. Đoàn Thanh niên là lực lượng phối hợp chính.

MC: Đây là dự án tình nguyện chứ không phải một phong trào. Vậy Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh có thể giải thích thêm về câu hỏi của bạn Quỳnh Giang?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Mặc dù đây là một dự án trình nguyện, nhưng liên quan tới cán bộ công chức, Luật tổ chức UBND và HĐND. Cũng như sau khi đội viên hoàn thành nhiệm vụ thì liên quan tới việc bố trí sử dụng đội viên dự án, tức là xét chuyển thành công chức nhà nước, liên quan tới Luật cán bộ công chức. Cho nên, đòi hỏi có sự tham gia của Bộ Nội vụ, cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ công chức.

Đây là dự án thí điểm, liên quan đến một số Luật nên cần sự tham gia của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, dự án rất cần sự tham gia tích cực của TƯ Đoàn và chúng tôi đã mời Ban tổ chức Trung ương, cơ quan lãnh đạo về cán bộ công chức cũng như các bộ ngành Trung ương cùng tham gia.







Bạn đọc Vi Văn Sơn, sinh viên Toán năm thứ 3, Đại học Vinh: Dự án có tuyển đội viên tốt nghiệp đại học tại chức hay không vì nhiều anh chị học tại chức có kinh nghiệm quản lý tốt và am hiểu phong tục tập quán ở địa phương hơn là những sinh viên chính quy mới ra trường?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Về tiêu chuẩn, dự án không đề cập tới tuyển dụng đại học chính quy hay tại chức vì trong luật cũng không phân biệt tại chức và chính quy. Nhưng vấn đề này liên quan tới quá trình tuyển dụng, điều kiện, đặc biệt là xét tuyển hồ sơ, đặc biệt là quá trình học tập, thi tuyển và phỏng vấn của hội đồng tuyển dụng. Trong quá trình đó, nếu đội viên thể hiện phẩm chất, tài năng thì sẽ được xét tuyển.

Sinh viên Nguyễn Nguyệt Hằng, trường khoa học xã hội và nhân văn: Trong quá trình xét tuyển, liệu có thật công bằng không. Thứ trưởng có thể công khai các công đoạn phỏng vấn xét tuyển được không?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đây cũng là câu hỏi lý thú được nhiều bạn quan tâm. Chúng tôi xác định, đây là dự án thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để tăng cường nhân lực cho xã nghèo, thực hiện Nghị quyết 30a.

Dự án được nhiều bạn trẻ quan tâm nhưng các bạn cần xác định rằng, ngoài cơ hội để các bạn rèn luyện, thử thách, thì có rất nhiều khó khăn, gian khổ.

Chúng tôi khẳng định quá trình xét tuyển công bằng, khách quan, thể hiện qua việc tổ chức và thực hiện dự án.



Đó là địa phương trực tiếp sử dụng, sau này là trực tiếp đánh giá, nhận xét đội viên. Địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp toàn diện về công tác tuyển dụng. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ thành lập Hội đồng xét tuyển bao gồm Giám đốc Sở Nội vụ (Chỉ tịch Hội đồng), Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy (Phó Chủ tịch Hội đồng), Bí thư Tỉnh đoàn (Phó Chủ tịch Hội đồng) rồi có các ngành lao động-thương binh, xã hội, tài chính, kế hoạch, đầu tư (thành viên Hội đồng), trưởng phòng nội vụ ở địa phương làm thư ký hội đồng...

Kết quả xét tuyển của Hội đồng sẽ gửi về Bộ Nội vụ, ban quản lý sẽ thẩm định. Sau khi thẩm định, thông báo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh để tỉnh xem xét và có quyết định công nhận. Sau đó, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội viên dự án.

Trong quá trình xét tuyển, sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn và xác định phương thức xét tuyển theo điều 12, 13, 14 của Nghị định 24/2010/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Quá trình xét tuyển sẽ xem xét từ quá trình học tập, thi tốt nghiệp, qua phỏng vấn (để kiểm tra trình độ năng lực hiểu biết, nhận thức, cách xử lý tình huống, kể cả tình huống lãnh đạo ở cơ sở, diện mạo của đội viên).

Từ đó, Hội đồng tuyển chọn sẽ có cách tính điểm phù hợp theo như Nghị định 24.

MC: Xin hỏi bà Lê Thị Mai, cho tới thời điểm này, tỉnh Điện Biên đã nhận được bao nhiêu hồ sơ từ khi bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 25/4/2011?

Bà Lê Thị Mai: Hiện, Sở Nội vụ, cơ quan thường trực của dự án, đã nhận được 8 hồ sơ của các tri thức trẻ gửi về.

MC: Liệu trong 1 tháng nhận được 8 hồ sơ thì có ít không, thưa bà?

Bà Lê Thị Mai: Chúng tôi đang tích cực triển khai từ cấp tỉnh, huyện, xã. Theo chúng tôi, khi trí thức trẻ nhận thức tích cực, đúng đắn về dự án, số lượng hồ sơ sẽ tăng lên.

MC: Thưa ông Nguyễn Trọng Nam, ông có thể nói rõ thêm về quy trình xét tuyển của địa phương (Bắc Giang)?

Ông Nguyễn Trọng Nam: Chúng tôi xác định dự án sẽ giúp địa phương phát triển kinh tễ-xã hội, thoát nghèo bền vững. Chúng tôi triển khai tích cực kế hoạch của Bộ.

Chúng tôi tập trung vào khâu phỏng vấn, bởi qua đó, sẽ xác định rõ hơn ứng viên đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh trình độ đại học, chúng tôi cũng xem xét khả năng lãnh đạo của ứng viên như trong quá trình học tập có tham gia làm công tác đoàn, lãnh đạo lớp hay không...



Trần Hoàng Nam (Cao Bằng): Tôi đang là công chức cấp huyện của tỉnh Cao Bằng. Vậy tôi có đủ điều kiện tham gia vào Dự án hay không? Sau khi hoàn thành dự án thì tôi có thể trở về đơn vị cũ công tác được không?

Ông Vũ Đăng Minh: Để thực hiện Dự án, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng ban hành quyết định 08 ngày 26/1/2010 về việc tăng cường thêm 1 Phó Chủ tịch cho các xã của 62 huyện nghèo mà chưa đủ 2 Phó Chủ tịch. Có 2 nguồn để tuyển các Phó Chủ tịch này, một là các cán bộ, công chức từ tỉnh, huyện tăng cường về, hai là từ các trí thức trẻ tình nguyện và đây chính là dự án mà chúng ta đang thực hiện.

Cùng với thắc mắc của bạn Nam, bạn đọc Hoàng Ngọc Bình tại địa chỉ mail: hoangngocbinh meovac@yahoo.com hỏi:

Tôi là sinh viên tăng cường được 2 năm tại xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Tôi có thể tham gia dự án này được không?

Ông Vũ Đăng Minh: Trong quá trình triển khai dự án, có rất nhiều bạn điện thoại về và hỏi vấn đề này. Theo Nghị quyết 30a, Chính phủ đã tăng cường rất nhiều cán bộ kỹ thuật về các xã, có thể đang làm việc theo hợp đồng, hoặc là viên chức từ một đơn vị sự nghiệp nào đó.

Trong quá trình làm việc tại xã, các bạn là cán bộ chuyên môn kỹ thuật chứ không phải là cán bộ lãnh đạo và các bạn cho rằng nếu có thể trở thành Phó Chủ tịch xã sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Tôi cho rằng, đây là một đối tượng cần ưu tiên vì đã có nhiều kinh nghiệm, đã chịu đựng khó khăn gian khổ.

Tôi biết một bạn tên Hằng, từng làm nhiệm vụ tại một khu kinh tế quốc phòng, đã gọi điện trao đổi với tôi. Hiện đang ngồi ở đây, bạn có thể chia sẽ những trăn trở, những kiến thức, kinh nghiệm cũng như những khó khăn đã gặp.

Bạn Nguyễn Thị Hằng: Quyết định 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010 – 2020” do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư.

Dự án 174 có mục tiêu đưa các tri thức trẻ về cùng với các cán bộ quân đội của các đoàn kinh tế - quốc phòng giúp đỡ bà con vùng sâu vùng xa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở địa phương.

Các xã vùng sâu, vùng xa có điều kiện hết sức khó khăn như về kinh tế xã hội, về trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế. Không những thế, tại các địa bàn này, thế lực thù địch có những hoạt động, âm mưu chống phá, kích động bà con.



Tôi may mắn là một trong những trí thức thức trẻ được tham gia dự án này. Khi mới đến, dĩ nhiên chúng tôi có một số khó khăn như bất đồng về ngôn ngữ, khác biệt về phong tục tập quán, và vẫn còn đó những e ngại, những khoảng cách khi tiếp xúc với bà con, với chính quyền địa phương.

Đến tháng 8 này, tôi đã làm việc tại một khu kinh tế quốc phòng thuộc Quân khu 4 tròn 1 năm. Nhưng trong thời gian qua, với sự giúp đỡ của các cán bộ chiến sĩ của đoàn kinh tế quốc phòng, chúng tôi đã có những kết quả nhất định trong công tác dân vận và phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào.

Tôi hi vọng các bạn trẻ có mong muốn hãy mạnh dạn tham gia dự án tăng cường 600 Phó Chủ tịch xã. Với bản thân tôi, tôi thấy dự án có 3 điểm mấu chốt. Thứ nhất, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các xã vùng sâu, vùng xa, thứ hai, thể hiện sự tin tưởng với thanh niên, trí thức trẻ, và thứ ba, giúp thanh niên, trí thức có một định hướng sống mới.

Một điểm mấu chốt khác so với các dự án trí thức trẻ tình nguyện trước đây là trao cho thanh niên một chức danh nhất định, tạo một tiếng nói với HĐND, UBND cấp xã, giúp các trí thức có thể áp dụng chuyên môn của mình. Các bạn trẻ tham gia dự án này có thể sử dụng chuyên môn giúp đỡ bà con, đồng thời tham gia vận động bà con trong các lĩnh vực khác.

Vừa rồi Quân khu 4 có tổ chức tổng kết 10 năm xây dựng khu kinh tế quốc phòng. Tôi đã tham gia phát biểu về xây dựng cơ chế chính sách với những bạn trẻ đã tham gia dự án này, trong đó có vấn đề đầu ra cho các bạn sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đã kiến nghị với Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) rằng dự án 600 trí thức trẻ có thể là một đầu ra đó.

MC: Thưa ông Nguyễn Văn Thơ, Bí thư Tỉnh đoàn Lạng Sơn, ông đã từng tham gia, hoàn thành tốt chương trình trí thức trẻ tình nguyện. Xin ông cho biết, ông đã công tác ở đâu, trên cương vị gì?

Anh Nguyễn Văn Thơ: Tôi tham gia Dự án 500 trí thức trẻ tình nguyện của Trung ương đoàn thời gian 2000-2002, được phân công về xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, Lạng Sơn. Địa bàn cách trung tâm hơn 100km. Tôi công tác gần 2 năm trên cương vị phân đội trưởng, sau đó được điều động về ban quản lý dự án tỉnh đoàn, sau đó là cán bộ tỉnh đoàn. Và tôi đã gắn bó với Lạng Sơn từ đó tới nay là 11 năm.

Dự án đó cũng có điểm tương đồng, cũng như khác biệt với dự án bây giờ. Lúc đó tuyển cả thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, không gắn chức danh cụ thể.

Tôi học luật, cũng có điều kiện giúp UBND xã trong các việc quản lý nhà nước, quản lý tư pháp hộ tịch, công an…

Phân đội của tôi có 4 người, mỗi bạn học 1 ngành. Các bạn đều có thể phát huy khả năng của mình trong lĩnh vực công tác tại xã. Dù ở lĩnh vực nào cũng phát triển tốt công tác đoàn và phong trào thanh nhiên ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Từ các dự án trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển ở nông thôn, miền núi, có nhiều đội viên đã trường thành, có 3 đội viên sau này được giữ chức vụ bí thư tỉnh đoàn, được tham gia vào cấp ủy của tỉnh. Các vị trí thấp hơn cũng có nhiều. Có thể nói môi trường thực tiễn ở địa phương, cơ sở tạo cho các bạn trẻ cơ hội, điều kiện cống hiến, đặc biệt là trưởng thành nhiều.



Bạn Thái Hùng (quehuongtoi312003@yahoo.com) góp ý: Với 600 sinh viên ưu tú sẽ là tiền đề tốt để phát triển kinh tế vùng sâu. Nhưng theo tôi không nên để họ làm Phó chủ tịch vì sức chiến đấu, ý tưởng phát triển kinh tế sẽ bị phụ thuộc mà nên để họ làm Chủ tịch xã. Họ chấp nhận công việc mình làm và phải chịu trách nhiệm với việc mình làm, có như thế chúng ta mới thực sự phát huy tiêu chí tuổi trẻ làm kinh tế, phát triển nguồn nhân lực cho nước nhà.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Rất hoan nghênh ý kiến của bạn với trí tiến thủ cao. Tuy nhiên, đây là chức danh hết sức quan trọng đối với chính quyền xã- Phó Chủ tịch UBND xã. Đối với các bạn mới tốt nghiệp, dù tinh thần, ý chí cao, nhưng về mặt chức danh lãnh đạo, chúng ta chưa thể hiểu hết được.

Ngay trong việc tuyển chọn này, nhiều ý kiến còn băn khoăn, tuyển ngay sinh viên mới ra trường về làm chức danh cán bộ lãnh đạo xã có được không.

Nhưng chúng tôi thấy đây là sự mạnh dạn. Tại trường, các bạn sinh viên đã được đào tạo rèn luyện, được đi thực tế.

Sau khi được tuyển chọn, các bạn được tập huấn về lý thuyết và thực tế trong 3 tháng.

Nếu bầu ngay các bạn làm Chủ tịch xã, chúng tôi thấy rằng còn nhiều băn khoăn.

Nếu được tín nhiệm, được cơ quan xã, nhân dân xã tín nhiệm, có thể sẽ tiếp tục phát triển, trưởng thành tiếp. Không những chủ tịch xã mà còn tiếp tục cao hơn.

Hoàng Vân Anh (Vũng Tàu); Thái Thị My (Hữu Lũng, Lạng Sơn): Trong quá trình làm việc thực tế mà đội viên không đáp ứng được nhu cầu công tác do khách quan như gặp tai nạn, có vấn đề về sức khỏe thì quãng thời gian đã cống hiến của đội viên được tính như thế nào dù là 1 năm hoặc 2 năm?

Ông Vũ Đăng Minh: Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi tương tự. Trước hết, phải nói là không ai mong muốn điều đó xảy ra, nhưng trong thực tế, rủi ro là bất khả kháng và không thể lường trước được như về sức khỏe, về hoàn cảnh gia đình… Chúng tôi thấy rằng, đó là một vấn đề phải đặt ra, nghiên cứu chính sách cho phù hợp.

Rút kinh nghiệm các dự án trước đây, lường trước được những khó khăn trong thực tế,, chúng tôi đã tính đến các chính sách, chế độ, đảm bảo quyền lợi của các bạn tham gia dự án, hài hòa lợi ích của Nhà nước, của các bạn và của các xã.



Độc giả Lê Giang (Đài Truyền hình Lào Cai): Tôi rất ủng hộ dự án này của Bộ Nội vụ nhưng cũng rất e ngại mấy điểm:

Tuyển đầu vào thì đội viên đủ tiêu chuẩn nhưng khi làm việc thực tế mà không đạt, không đem lại hiệu quả thiết thực nào cho địa phương thì có cơ chế như thế nào? Tránh trường hợp không cống hiến được gì nhưng vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ của nhà nước.

Đang công tác nhưng thấy khó khăn nên viện nhiều lí do để không tiếp tục tham gia dự án nữa thì Bộ Nội vụ có phương thức xử lý cụ thể ra sao?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Vấn đề này chúng tôi đã tính đến, trong dự án cũng đã nêu rõ. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đánh giá, từ đó, phát huy mặt tốt, khắc phục khó khăn, hạn chế để xem xét triển khai tiếp như thế nào. Nếu trường hợp vì lý do chủ quan, không đáp ứng được, chúng tôi sẽ sàng lọc lại để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của dự án.

MC: Xin ông Thào Gà Nếnh cho biết, địa phương có biện pháp nào để theo dõi đội viên làm việc dưới quyền?

Ông Thào Gà Nếnh: Sốp Cộp là 1 trong những huyện nghèo của cả nước và cũng là huyện nghèo của tỉnh Sơn La. Hiện, chúng tôi chưa được triển khai dự án trong năm nay. Năm nay, Ban Quản lý dự án mới triển khai thí điểm tại 5 tỉnh. Chúng tôi cũng hơi buồn, tuy nhiên, cũng có thể đây là may mắn đối với chúng tôi vì còn có thời gian học tập kinh nghiệm các tỉnh khác.

Theo tôi, để quản lý tốt đội ngũ tri thức trẻ, cấp ủy chính quyền, đặc biệt đối với cấp huyện, lãnh đạo huyện, thường trực huyện ủy,... luôn phải quan tâm tới đội ngũ này. Nếu có khó khăn, vướng mắc, cùng với họ tháo gỡ, như vậy, vừa làm chỗ dựa tinh thần cho họ. Vì nếu chúng ta không động viên, là chỗ dựa cho họ, họ có thể có nơi có lúc bị cô lập, không thể làm được dù nhiệt tình, ý chí cao. Như vậy sẽ có lúc họ nản chí, dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo tôi nghĩ, chắc chắn cấp huyện, xã, tỉnh luôn phải động viên đội ngũ này.

Bạn Hà Văn Côn (Vân Đồn, Quảng Ninh): Là một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học, tôi rất muốn tham gia dự án nhưng còn một vài băn khoăn: Sự tuyển chọn đội viên có thực sự minh bạch không? Vì tôi rất sợ con em những cán bộ ở địa phương có được sự ưu tiên hơn chúng tôi, những sinh viên không có quen biết rộng và vừa ra trường.

Ông Nguyễn Thành Trung: Trong thực tiễn, khi tuyển chọn cán bộ công chức viên chức nói chung và cho dự án nói riêng, chúng ta phải thực hiện quy trình mà Chính phủ quy định và Bộ Nội vụ hướng dẫn. Trong đó, vấn đề phải đặt lên hàng đầu là phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn của các ứng viên.

Với Yên Bái, trong quá trình xét tuyển, thi tuyển chọn công chức, viên chức, cũng phải đặt tiêu chuẩn chuẩn lên hàng đầu. Chính sách ưu tiên cũng phải theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, không thể đưa ra ưu tiên tùy tiện. Tôi cho rằng không những riêng với Yên Bái, các tỉnh khác cũng phải tuân thủ quy định đó.

Tuy nhiên, có thể trong thực tế, các địa phương sẽ có đặc điểm riêng về kinh tế xã hội và trên cơ sở các tiêu chuẩn chung của Nhà nước để đặt ra một số tiêu chuẩn khác cho phù hợp.

Độc giả Nguyễn Văn Bảo, 67 tuổi (Tân Uyên, Lai Châu):

Là một cán bộ huyện đã nghỉ hưu, qua những năm tháng công tác tôi thu được một số kinh nghiệm xin chia sẻ: Các bạn thanh niên có ưu điểm là nhiệt huyết, có chuyên môn cao vì đều tốt nghiệp đại học. Nhưng các bạn thiếu thực tế, mà đã thiếu thực tế thì sự vận dụng chuyên môn rất khó khăn, nhất là ở những địa bàn sâu, xa. Phong tục tập quán cho đến tiếng nói cũng hoàn toàn khác. 36 tháng phân công về địa phương có khi chỉ kịp tích lũy kinh nghiệm cũng như làm quen thông thổ cho các bạn làm việc. Vậy sự kì vọng của địa phương về các bạn xem ra giống như một sự thách đố? Bộ Nội vụ đã lường trước được sự việc này không?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Câu hỏi này ngược với ý kiến đề cập lúc trước là tuyển thẳng vào các đội viên vào chức danh Chủ tịch UBND xã.

Chúng tôi đã tính đến và như đã trả lời, chúng ta hết sức tin tưởng vào đội ngũ cán bộ trẻ. Các bạn đã tình nguyện, thể hiện ý chí rất ca,o các bạn cũng đã được rèn luyện 4,5 năm trong trường đại học.

Nếu tuyên truyền rõ, các bạn hiểu khó khăn trong thời gian công tác sắp tới. Như chúng tôi đã nói, ngoài việc các bạn đã được đào tạo trong trường ĐH, chúng tôi sẽ đào tạo, bồi dưỡng 3 tháng lý thuyết và thực tế.

Trong đó, đặc biệt ưu tiên các bạn tại địa phương, đã có am hiểu về tình hình địa phương. Nếu đa số là cán bộ địa phương về công tác đã làm quen và tìm hiểu tình hình thực tế địa phương thì sẽ rất thuận lợi

Tôi tin rằng, các đội viên, nếu tuyển chọn kỹ càng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, sẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cần thiết.

MC: 3 tháng đào tạo bồi dưỡng có ít quá hay không để một sinh viên trẻ mới ra trường đảm nhận chức danh lãnh đạo xã?



Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Theo tôi, đủ hay chưa đủ thì vô cùng, bởi chúng ta với tinh thần học tập suốt đời, dù cương vị khác nhau cũng đều phải học tập. Các bạn trẻ, chúng tôi hết sức tin tưởng, bởi các bạn đã có 4-5 năm rèn luyện trong trường ĐH. Trong quá trình đó, về mặt chuyên môn, nhiều bạn đã được đi thực tập ở các cơ sở, ngoài ra các phong trào thanh niên tình nguyện, các bạn cũng đã về vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là cơ sở các bạn đã tiếp cận thực tiễn.

Đặc biệt, như tôi đã nói, trong quá trình tuyển chọn, rất ưu tiên các bạn ở địa phương, với nhiều thuận lợi là nắm chắc tình hình, địa bàn địa phương.

Tôi tin chắc các bạn sẽ đáp ứng được yêu cầu.

Ông Vũ Đăng Minh cho biết thêm: Trong quá trình nhận hồ sơ, tính tới 25/5/2011, chúng tôi đã nhận được 145 hồ sơ. Các bạn đăng ký tham gia tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 26-29.

Chúng tôi đã đọc rất kỹ các hồ sơ này, các bạn khi gửi hồ sơ về cũng đã có tính toán cân nhắc, mọi vấn đề để có thể tham gia.

Các bạn sau khi ra trường hầu hết đều đã đi làm, có bạn đi làm cho doanh nghiệp tại Hà Nội thu nhập 4,5 triệu/tháng vẫn đăng ký tham gia vì muốn cống hiến, hay có những bạn đi làm dự án tại Lào ..

Trong số các hồ sơ thì hồ sơ cho nhóm ngành nông lâm nhiệp là 42; xây dựng, tài nguyên, đất đai: 12; kinh tế 25; kỹ thuật công nghệ thông tin… là 12 hồ sơ.

Số các bạn đăng ký chuyên ngành tương đối phù hợp, tự nhận thấy có thể trụ được, nhập cuộc được và quan trọng hơn cả, là các bạn đều muốn sau khi về xã phải làm được điều gì đó thay đổi điều kiện kinh tế- xã hội cho xã.

Qua thực tiễn, tiếp xúc và làm việc với cán bộ chủ chốt của xã, các đồng chí đều nói, ban đầu chúng ta chưa kỳ vọng nhiều ở các em. Chúng ta coi các em như con, chăm lo bồi dưỡng tạo điều kiện cho các em vào cuộc, sau 1 năm mới kỳ vọng. Nếu không tạo điều kiện, họ cũng không thể hiện được vai trò của mình dù có tố chất, trình độ năng lực cùng với tinh thần tình nguyện, xung kích, nhiệt huyết,

Trong dự án này, Bộ Nội vụ có chức năng cơ quan quản lý, hướng dẫn tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, còn trực tiếp vẫn là trách nhiệm của UBND tỉnh, huyện, xã cũng như chính quyền các cấp trong việc tạo điều kiện, chăm lo cho các em khi về cơ sở.

Ông Dương Văn An: Tôi xin nói thêm, chúng ta không đặt vấn đề toàn bộ các đội viên đều là mới ra trường. Độ tuổi tham gia của dự án là dưới 30 tuổi và đã tốt nghiệp đại học. Tôi đồng tình với ý kiến của ông Vũ Đăng Minh là nhiều người đã trải qua các công việc khác nhau, các công việc này cũng chính là môi trường thực tiễn giúp các bạn làm tốt hơn trên cương vị mới. Chúng ta không đồng nhất ở đây toàn bộ là sinh viên mới ra trường

Tôi nghĩ sinh viên mới ra trường chỉ là một bộ phận chiếm số lượng vừa phải.

MC: Tôi xin hỏi thêm một câu hỏi ngoài lề. Khi Bộ Nội vụ nhận đủ hồ sơ và lựa chọn đủ 600 trí thức, Bộ sẽ tổ chức tập huấn tập trung tại Hà Nội phải không?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Mới đầu, chúng tôi cũng dự kiến tổ chức tập huấn theo 2 vùng, tập huấn tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng sau đó chúng tôi quyết định điều chỉnh, giao cho các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương để đào tạo tại chỗ theo vùng. Bởi chúng ta cũng không thể đào tạo ít quá, mỗi lớp dự kiến sẽ khoảng 50 người, từ một số huyện hoặc một số tỉnh ghép lại.

MC: Mới đây, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng nói các địa phương gần nhau có thể cùng phối hợp trong việc đào tạo trí thức trẻ, không cần phải đào tạo tại Trung ương. Thưa Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lai Châu, tỉnh có tính đến chuyện này không, và ông kiến nghị nào với Bộ Nội vụ không, thưa ông?



Ông Nguyễn Văn Thành: Lai Châu cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc đều khó khăn. Cũng như các tỉnh, tôi cho rằng nên đào tạo tập trung tại một nơi nào đó, vì lối sống đồng bào, vị trí địa lý gần nhau. Thêm vào đó, quá trình tập huấn mà có sự giám sát, theo dõi của các tỉnh sẽ tốt hơn.

Về thắc mắc của cụ Nguyễn Văn Bảo, đồng chí Thứ trưởng đã nói rõ, tôi xin trình bày thêm một chút. Để thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt và ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 62 huyện nghèo, UBND tỉnh Lai Châu đã có Quyết định 1568 ngày 6/10/2009 thu hút cán bộ. Tỉnh đã làm tương đối tốt, đã thu hút 54 cán bộ trẻ, luân chuyển cán bộ cấp tỉnh, huyện về xã khá hiệu quả.

Theo tôi, sau khi đi khảo sát các xã nghèo, Bộ Nội vụ đã tổ chức các hội nghị để lấy ý kiến và nhận được sự đồng tình cao của địa phương, nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng các bạn trẻ ít kinh nghiệm thực tiễn. Khi chúng tôi tổ chức hội nghị với lãnh đạo các huyện nghèo, các đồng chí cũng có những băn khoăn như vậy.

Tuy nhiên, tôi xin nói về thực tế thực hiện tại Lai Châu. 6 năm sau khi Lai Châu chia tách, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh có Nghị quyết 05 về xóa đói giảm nghèo, đưa cán bộ tỉnh về cơ sở, giao mỗi Sở phụ trách một xã.

Chương trình này có nét tương đồng với dự án chúng ta đang nói ở đây. Qua đó, mỗi xã có từ 2, 3 cán bộ có trình độ từ cao đẳng, đại học. Chương trình này đã được thực hiện có hiệu quả, các xã đã có chuyển biến về kinh tế - xã hội, nhiều cán bộ được luân chuyển đã làm việc khá hiệu quả. Có đồng chí đã từ xã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp huyện.

Chúng tôi thấy rằng dự án mới này của Chính phủ có yêu cầu kỹ hơn, lựa chọn đúng chuyên môn hơn. Bộ Nội vụ cũng tổ chức tập huấn bài bản hơn, do đó tôi nghĩ rằng sẽ dự án 600 Phó Chủ tịch xã này sẽ có hiệu quả cao.

Trần Thị Loan ( Mỹ Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình): Thưa tòa soạn, tôi có con trai học đại học Kinh tế, năm nay cháu ra trường. Tôi rất muốn cháu thử sức ở một môi trường mới để cháu biết thực sự cống hiến cho cộng đồng trước khi phấn đấu cho bản thân. Dự án thí điểm này là mục đích tôi hướng tới cho cháu tham gia dự tuyển. Nhưng làm mẹ, tôi rất lo lắng khi cháu đến nơi công tác mới sẽ được hỗ trợ như thế nào? liệu khi đưa ra những chính sách thiết thực có lợi cho dân thì cháu gặp phải những bậc cha chú (là những cán bộ làm cùng) không công nhận vì bị coi là quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. Địa phương phải làm gì để xử lý những trường hợp như thế?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đây cũng là băn khoăn của nhiều người được đưa ra qua cuộc giao lưu trực tuyến này. Đội viên với tinh thần tình nguyện cao về làm việc tại địa phương nhưng rõ ràng, cũng còn phụ thuộc vào việc tạo điều kiện, ủng hộ của chính quyền, nhân dân địa phương.

Đây là dự án được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các xã, huyện nghèo, tỉnh nghèo. Chính quyền cũng như nhân dân địa phương phải có trách nhiệm ủng hộ. Đó là lý do vì sao mà trong ban chỉ đạo có tất cả các đồng chí lãnh đạo kể cả bên Đảng để chỉ đạo trong hệ thống cho tốt.

Tôi đề nghị địa phương, đặc biệt là các xã, từ đảng ủy, ủy ban nhân dân và bà con tạo điều kiện, giúp đội viên thực hiện tốt dự án.

Trần Văn Toán (kĩ sư điện, Tân Đệ, Thái Bình); Lê Như Nguyệt, sinh viên trường Đại học Thương mại Hà Nội thắc mắc: Theo như dự án thì tuyển các trí thức trẻ học các ngành như kinh tế, khoa học-kỹ thuật, nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên-môi trường, luật. Nhưng Bộ Nội vụ có tính đến việc xã nào cần chuyên môn gì để có thể vận dụng thiết thực nhất cho bà con nông dân. Tránh việc xã vùng cao không đủ nước để ăn uống nhưng lại phân về một tri thức chuyên về thủy sản?

Ông Vũ Đăng Minh: Sau khi nhận hồ sơ của các bạn cũng như nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng cần một số nhóm chuyên ngành phù hợp với địa phương. Sau khi phát phiếu khảo sát về 4 chức danh chủ chốt cấp xã từ 894 xã thuộc 62 huyện nghèo, chúng tôi đã xây dựng một bảng ưu tiên các chuyên ngành cần chọn.

Trên thực tế, sau khi các bạn nộp hồ sơ, Hội đồng tuyển chọn cấp tỉnh sẽ lựa chọn và đưa về từng xã phù hợp với chuyên ngành các bạn. Tôi cho rằng đây là khâu quan trọng nhất để các trí thức trẻ phát huy được chuyên môn của mình.

Thêm vào đó, tôi cũng rất tin tưởng khi các bạn đăng ký đã lựa chọn địa bàn phù hợp.



Xuân Quý, học viên lớp cao học Y, Hà Nội: Tôi thiết nghĩ, đã là đội viên về nơi vùng sâu, xa, nơi có điều kiện y tế khó khăn để công tác thì ngoài chuyên môn, đạo đức thì điều kiện tiên quyết phải có là sức khỏe thật tốt. Không thể cử những người có bệnh truyền nhiễm, nan y hay quá gầy yếu đi công tác. Nhưng hiện nay việc xin một tờ giấy khám sức khỏe đủ tiêu chuẩn là khá dễ dàng cho dù người đó không thực sự có sức khỏe tốt. Thứ trưởng nghĩ sao khi có một ngày khoảng 1/3 số đội viên khi phân về các xã bắt đầu bộc lộ nhược điểm về sức khỏe và không đủ lực để công tác? Ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề đưa đội viên không có đủ sức khỏe về vùng sâu, vùng xa như vậy? Và đầu vào tiến hành kiểm tra sức khỏe là do ai đảm nhiệm, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Khi đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn càng cần phải có sức khỏe bên cạnh lòng nhiệt tình, ý chí của đội viên.

Theo quy định, trong hồ sơ cần có phiếu khám sức khỏe. Bạn còn nghi ngờ phiếu đó, sợ rằng cơ quan chức năng cấp phiếu đó dễ dàng, tôi nghĩ đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Nhưng rõ ràng vấn đề đặt ra là phải có yêu cầu về khám sức khỏe.

Thứ hai, trong quá trình hội đồng tuyển chọn, phỏng vấn xem xét ngoại hình, nếu thấy có vấn đề, nghi ngờ, nếu cần Hội đồng có trách nhiệm cho khám sức khỏe lại. Hội đồng có quyền, ngoài phỏng vấn, xem xét kết quả học tập, ngoại hình, khả năng ứng xử của các đội viên, kể cả xem xét về sức khỏe. Nếu thấy có nghi ngờ, sẽ yêu cầu đội viên khám lại, hoặc thẩm định lại kết quả khám sức khỏe để đảm bảo yếu tố sức khỏe vì đây là yêu cầu hết sức quan trọng.

MC: Nếu có bệnh nan y khi về địa phương do gặp khí hậu thông thổ mới bộc phát. Nơi cấp giấy khám có trách nhiệm liên đới không?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Nếu đội viên thực sự có bệnh mà cơ quan khám cho rằng không có thì phải chịu trách nhiệm. Còn nếu trong quá trình thực hiện do điều kiện tự nhiên… bị mắc thì lại giải quyết cách khác.

Bạn Đức Bình (Học viện Cảnh sát Nhân dân): Tôi xin hỏi Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh là khi đủ điều kiện và được phân về nơi công tác, các đội viên có mặc nhiên được trở thành công chức cấp xã không?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Luật Cán bộ công chức và Nghị định 92 của Chính phủ quy định Phó Chủ tịch xã là cán bộ chuyên trách của xã. Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là các đội viên xuất sắc, nếu có nhu cầu ở lại sẽ được quy hoạch tiếp tục làm lãnh đạo tại xã. Nếu có nhu cầu chuyển lên huyện, tỉnh, sẽ được xét tuyển trở thành công chức nhà nước.

Bạn đọc có địa chỉ lanhuong04@... hỏi: Sau khi thực hiện Dự án thì các bạn đội viên đã khá lớn tuổi. Điều chắc chắn là ngoài 30 tuổi. Vậy cơ hội nghề nghiệp tiếp theo của các đội viên được Bộ Nội vụ tính toán như thế nào?



Ông Vũ Đăng Minh: Đây là băn khoăn của tất cả các đội viên trước khi ký vào đơn tình nguyện tham gia. Nhiều bạn gọi cho tôi hỏi, bây giờ em 29 tuổi (độ tuổi 29 chiếm 19 hồ sơ), sang năm mới tuyển xong, khi bố trí được các bạn đã 30. 5 năm nữa đã 35.

Trong dự án, chúng tôi đã xây dựng hết sức cụ thể, có lộ trình để các bạn thực hiện.

Mong muốn của chúng tôi cũng như các tỉnh có huyện nghèo là đưa các bạn về cống hiến và trưởng thành, trở thành cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện, xã của các địa phương đó.

Do vậy, lộ trình thực hiện, khi kết thúc dự án, nếu địa phương có nhu cầu, bố trí cho các bạn quy hoạch vào các chức danh bí thư, chủ tịch hoặc các chức danh chuyên môn khác, các bạn hoàn toàn có thể được làm cán bộ xã.

Nếu ở xã không có nhu cầu, các bạn được xem xét chuyển thành công chức cấp tỉnh, huyện, lúc đó xét tuyển theo quy định tại điều 25 của Nghị định 24. Khi có đủ 60 tháng làm việc tại địa phương, hoàn toàn có điều kiện xem xét trở thành cán bộ công chức theo quy định của pháp luật.

Nếu các bạn không muốn ở lại địa phương, lúc đó được UBND tỉnh xác nhận thành tích trong quá trình thực hiện công tác để tham gia vào tuyển chọn công chức, viên các bộ, ngành cơ quan đơn vị sự nghiệp khác… Các bạn được thực hiện xét tuyển mà không phải thi tuyển.

Trên thực tế, chúng tôi cũng đã làm việc với một số cơ quan tổ chức của NGO (tổ chức phi chính phủ), họ rất quan tâm tới các bạn đã có quá trình tham gia tình nguyện tại cộng đồng. Đây là tiêu chí được ưu tiên tuyển chọn cao nhất.

Chúng tôi tính lộ trình:

Thứ nhất, ở lại cấp xã nếu xã có nhu cầu

Thứ 2, lên cấp tỉnh, huyện

Thứ 3, về cơ quan trung ương hoặc các đơn vị sự nghiệp khác

Đầu ra chủ yếu phụ thuộc vào năng lực của các bạn và kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Chúng tôi đã tới Tân Uyên và được nghe Chủ tịch huyện nói, rất tin tưởng thế hệ trẻ, nếu các bạn ở xã làm tốt 3 năm, chúng tôi đã có quy hoạch sử dụng các bạn đó rồi. Chỉ sợ các bạn về không hoàn thành được nhiệm vụ, không hòa nhập được, không làm được gì biến chuyển kinh tế- xã hội địa phương, không được người dân chấp nhận.

Ông Dương Văn An: Về quyền lợi các đội viên, anh Vũ Đăng Minh đã nói khá kỹ. Tôi xin nói thêm là các quyền lợi của đội viên sẽ được dự án bảo vệ tối đa. Sau ít nhất 36 tháng, nếu các đội viên hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ và nếu đội viên có nhu cầu ở lại, có thể được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã hoặc các chức danh khác cao hơn. Nếu có nhu cầu, sẽ được luân chuyển làm cán bộ, công chức của tỉnh hoặc huyện.

Nếu không đủ biên chế, huyện hoặc tỉnh sẽ lập hồ sơ báo cáo Ban Quản lý dự án ở Trung ương với đại diện của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn và một số bộ, ngành, để sắp xếp, bố trí từ quỹ biên chế hàng năm dành cho địa phương đó. Như vậy, sẽ không có trường hợp nào kết thúc 5 năm dự án, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà không có việc làm.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Quyền lợi của đội viên khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được đảm bảo bằng các cơ chế của Nhà nước. Thủ tướng đã ban hành cơ chế xác định rõ quyền lợi đội viên. Không thể có chuyện các địa phương tùy ý không thích, không dùng. Nếu đội viên hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ và có nhu cầu, sẽ dứt khoát được xét chuyển trở thành công chức.

Đức Hiển (Công ty vinaphone Hà Nội):

Đã có nhiều bài báo nói về vấn đề này, họ hay nói đến từ phong trào, nhưng theo tôi hiểu đây không phải là một phong trào. Đây là dự án mang yếu tố tình nguyện và có chọn lọc kĩ càng. Phong trào là ai cũng có thể làm được, hưởng ứng được. Còn dự án thì không phải như thế. Anh phải đủ tiêu chuẩn và đủ điều kiện mà dự án đề ra, không ai bắt anh đi, anh tự thấy mình đáp ứng được thì anh tham gia.

Nhưng làm thế nào để các bạn trẻ hiểu rằng đây không phải là phong trào tình nguyện mà là đây là dự án dựa trên tinh thần tình nguyện, thưa ông?

Ông Dương Văn An: Trong thời gian qua, có một số người chưa nhận thức đúng về dự án này.

Dùng từ phong trào cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Mỗi phong trào có giá trị và ý nghĩa lịch sử của nó. Có những phong trào mang tính ngắn hạn, trung hạn cũng có phong trào dài hạn và liên tục. Khi một phong trào kết thúc nhiệm vụ lịch sử của nó, chuyển sang phong trào khác. Có những phong trào đi liền với quá trình xây dựng phát triển đất nước như phòng trào thi đua yêu nước, đền ơn đáp nghĩa.

Trong lịch sử xây dựng và phát triển của Đoàn, có nhiều phong trào để lại những giá trị to lớn như 3 sẵn sàng, 5 xung phong, thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước…

Nhiều người có suy nghĩ phong trào mang tính chất lửa rơm, bùng lên rồi ngấm tắt.

Chúng ta cần có cách nhìn khách quan đối với các phong trào của tuổi trẻ. Tôi xin khẳng định dự án này, với sự tham gia của tổ chức đoàn, đối tượng chủ yếu là đoàn viên thanh niên, cũng là thể hiện phong trào của tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay đó là là 5 xung kích tham gia phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Phong trào này khác với các phong trào bề nổi khác, như bạn nói, là không phải ai cũng làm được, phải có tiêu chuẩn, điều kiện. Các bạn tham gia được tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, có quyền lợi và nghĩa vụ. Nếu người nào thực hiện sai, hoặc không hoàn thành, theo quy chế, có thể chịu các hình thức kể cả đền bù các giá trị mà dự án đã mang lại cho đội viên đó.

Do vậy, một điểm khác nữa là phong trào gắn với con người cụ thể, chức danh cụ thể, gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của 1 đơn vị cụ thể, gắn với sự trưởng thành của 1 người cụ thể là đội viên tham gia dự án và được luật hóa, chính sách hóa bằng các quy định của nhà nước. Như vậy, vấn đề ở đây là cần làm cho các trí thức trẻ nhận thức rõ đây không phải là hưởng thụ mà là nhiệm vụ, theo tôi, hết sức khó khăn và nhiều thử thách, cần có ý chí quyết tâm mới vượt qua được.

MC: Tôi xin hỏi một câu ngoài lề. Sau bao lâu chúng ta sẽ tiến hành tổng kết để có thể bổ sung, sửa đổi các thiếu sót?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Theo kế hoạch đề ra, từ nay tới 2012 sẽ tuyển chọn xong các đội viên dự án. Sau khi đưa đội viên về các xã, sẽ tiến hành theo dõi, đánh giá và tới năm 2016 (năm kết thúc nhiệm kỳ HĐND và UBND khóa mới) sẽ tổng kết, đề xuất Chính phủ để thực hiện giai đoạn tiếp theo, từ năm 2017 tới năm 2020 là thời điểm hoàn thành thực hiện Nghị quyết 30a.

Đồng thời, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, sẽ đánh giá, rà soát 6 tháng, 1 năm, theo định kỳ, nếu đội viên nào không đáp ứng được sẽ bị sàng lọc.

MC: Trí thức trẻ có thể nhận mẫu đơn và sơ yếu lý lịch để lập hồ sơ đăng ký tham gia Dự án tại các địa chỉ sau:

Trang thông tin điện tử Bộ Nội vụ: http://moha.gov.vn

Website của Trung ương Đoàn TNCSHCM: http://doanthanhnien.vn

Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, địa chỉ số 8A Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: Tổng đài (04) 62820404 máy lẻ: 9011, 9022.

Ban Tổ chức Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, địa chỉ số 62 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: (04) 62631786; Fax: (04) 62702600 và tại các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc Trung ương Đoàn.

Sở Nội vụ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Trí thức trẻ có cũng thể tải hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Như vậy, 600 đội viên dự án được lựa chọn từ hàng triệu bạn trẻ ưu tú nhất chính là 600 ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi xuân, 600 trái tim đầy ắp lí tưởng, hoài bão cống hiến sức lực và tuổi trẻ của mình cho xã hội.

600 con người ấy sẽ tỏa đi mọi miền tổ quốc, sát cánh cùng đồng bào ở những nơi vất vả, khó khăn nhất…Để chúng ta mong chờ một ngày rất gần, 600 ngọn lửa ấy sẽ bùng sáng thành công.

Những người làm chương trình như chúng tôi luôn đặt niềm tin vào các bạn. Tổ quốc luôn cần các bạn và đồng bào nơi 62 huyện nghèo luôn mong mỏi các bạn. Chúc các bạn thành công với sự lựa chọn đúng đắn của mình.

Xin cảm ơn sự theo dõi và lắng nghe của quý vị. Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời.
Theo http://www.chinhphu.vn
http://www.www.tochucnhansu2.com

Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà admin
Trả lời nhanh

Back to topMessage [Page 1 of 1]

  © FMvi.vn

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết liên quan

    Quyền hạn của bạn:

    You cannot reply to topics in this forum

    • Forum create on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com