Change background image
OAPA Forum- Cộng Đồng nhân sự Việt


Go downMessage [Page 1 of 1]

© FMvi.vn

Sat Dec 03, 2011 1:08 pm
admin
admin

Phát triển bền vững và Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp  Admin

“Phát triển bền vững là gì? Trên thực tế, thuật ngữ “phát triển bền vững” được định nghĩa theo nhiều cách thức khác nhau, nhưng định nghĩa được trích lục nhiều nhất là từ Báo cáo Brundtland (hay còn gọi là Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”): « Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Khái niệm phát triển bền vững bao gồm ba phương diện chính: môi trường bền vững, kinh tế bền vững và chính trị - xã hội bền vững. Trong một số trường hợp, các vấn đề này có thể đề cập có những điểm giống nhau. Hôm nay, tôi xin được tập trung vào phương diện môi trường bền vững, do đây là nội dung mà các doanh nghiệp thành viên quan tâm nhiều nhất và liên quan nhiều đến các hoạt động của EuroCham ở Việt Nam.
Trước tiên, môi trường bền vững đòi hỏi chúng ta phải coi thế giới là một hệ thống có kết nối chặt chẽ: Từ đó chúng ta hiểu được rằng ô nhiễm không khí ở Bắc Mỹ sẽ ảnh hưởng tới không khí ở Châu Á, việc phun thuốc trừ sâu ở Ac-hen-ti-na có thể gây hại cho gia súc ở tận bờ biển Châu Úc, và đặc biệt, tình trạng biến đổi khí hậu còn không hề có biên giới! Và khi chúng ta coi thế giới là một hệ thống kết nối xuyên thời gian, chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng quyết định của ông cha chúng ta trong việc sử dụng đất làm nông nghiệp vẫn còn ảnh hưởng tới phương thức sản xuất nông nghiệp ngày nay; và các chính sách kinh tế chúng ta ban hành ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng tới tình trạng nghèo đói ở đô thị của các thế hệ sau. Chúng ta cũng hiểu được rằng phát triển bền vững ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống nói chung: Có sức khỏe đương nhiên là rất tốt, nhưng cuộc sống sẽ ra sao nếu chúng ta nghèo đói và không được tiếp cận với giáo dục? Ai cũng mong muốn có thu nhập ổn định, nhưng cuộc sống sẽ ra sao nếu chúng ta vẫn sống trong bầu không khí bị ô nhiễm? Các vấn đề về bền vững mà chúng ta đang đối mặt hôm nay đang ngày càng trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn – và chúng ta khó mà giải quyết các vấn đề này theo cách mà chúng ta đã gây ra.

Các doanh nghiệp sẽ giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững như thế nào?

Nhìn chung, các công ty thường quy việc giải quyết những vấn đề này vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa chung về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhiều công ty có thể coi đó là một phương thức mà khu vực kinh tế tư nhân áp dụng nhằm lồng ghép việc đáp ứng các đòi hỏi cấp bách về kinh tế, xã hội và môi trường vào hoạt động của mình. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu là doanh nghiệp đó quyết định không chỉ thực hiện những gì mà pháp luật quy định tối thiểu. Thông qua trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp ở mọi quy mô, cùng với các bên có liên quan, có thể giúp điều chỉnh những mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, trách nhiệm xã hội đang ngày càng trở thành một khái niệm quan trọng và là một phần không thể thiếu trong các cuộc tranh tranh luận về vấn đề toàn cầu hóa, khả năng cạnh tranh và tính bền vững. EuroCham tin tưởng rằng mỗi doanh nghiệp và tổ chức đều có trách nhiệm với nhân viên, khách hàng của mình và với xã hội (hay còn gọi là ba trụ cột của phát triển bền vững: gồm con người, Trái Đất và lợi nhuận). Chúng tôi tin rằng một cam kết nghiêm túc về trách nhiệm xã hội sẽ gắn kết tổ chức đó, củng cố danh tiếng của tổ chức đó và tạo ra những liên kết mang tính sống còn với cộng đồng mà tổ chức đó đang hoạt động. Ở Việt Nam, khi nói đến vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các công ty Châu Âu đóng hai vai trò đặc biệt quan trọng như sau:
Một là, các công ty này góp phần đưa những thực tiễn hoạt động tốt nhất từ Châu Âu sang Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp của chúng tôi như Unilever, Siemens, Schneider Electric thường tự giác thực hiện các trách nhiệm ngoài những gì mà pháp luật địa phương quy định, và từ đó tự thiết lập ra các tiêu chuẩn. Một dẫn chứng cụ thể là những doanh nghiệp này đang thực hiện việc tiết kiệm nguồn lực và giảm thiểu phát thải trong quá trình sản xuất. Những doanh nghiệp này còn tiến hành thiết kế lại sản phẩm để cắt giảm nguyên vật liệu đầu vào, tạo ra nhiều loại sản phẩm tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả của các hoạt động về môi trường mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này thường đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng những tiêu chuẩn trên, và hiển nhiên là qua đó, những thực tiễn hoạt động tốt nhất của các doanh nghiệp Châu Âu sẽ được áp dụng vào các doanh nghiệp Việt Nam.
Hai là, các doanh nghiệp Châu Âu có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cải tiến công nghệ và đưa những công nghệ mới vào Việt Nam. Như đã nêu ở trên, việc này tương đối tốn kém, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì vậy mà Chính phủ nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công nghệ để Việt Nam trở nên “xanh hơn”. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo – lĩnh vực mà các công ty Châu Âu luôn đi đầu về năng lượng gió và mặt trời. Tôi xin được một lần nữa nhấn mạnh thêm là chương trình Hội thảo và Triển làm “Greenbiz 2011” sẽ được tổ chức vào tháng sau với sự tham gia của khoảng 100 công ty Châu Âu. Tại đây chúng tôi sẽ giới thiệu những công nghệ xanh và sạch tới các doanh nghiệp và khách hàng Việt Nam.

Các công ty Việt Nam hiện đang đứng ở đâu trong vấn đề phát triển bền vững?

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vì thế việc gắn kết hơn với xu hướng phát triển bền vững cũng là điều tất yếu. EuroCham tin rằng xu hướng này sẽ mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Cơ hội có thể là:
Một là: phát triển xanh và bền vững tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ mới. Hai là, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, Việt Nam có cơ hội đặc biệt để cải tiến công nghệ trên quy mô lớn, lựa chọn đối tác và công nghệ phù hợp, và học hỏi kịp thời kinh nghiệm của các quốc gia khác. Ba là, đi cùng với tăng trưởng kinh tế, các quốc gia đang trong thời kỳ quá độ như Việt Nam có thể từng bước giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm và xóa đói giảm nghèo, đồng thời đầu tư giải quyết các vấn đề ưu tiên về môi trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với các thách thức và khó khăn như: Một là, để thành công trong chiến lược phát triển xanh và bền vững, các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định phát luật về bảo vệ môi trường, và tự xây dựng một kế hoạch nội bộ về bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng những nguyên liệu sản xuất thân thiện với môi trường và áp dụng biện pháp sử dụng năng lượng có hiệu quả, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu ô nhiễm. Hai là, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thường gặp nhiều áp lực về vốn, nguồn nhân lực và công nghệ. Những áp lực này gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường trong nước và quốc tế.
Xuất phát từ những đòi hỏi nói trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp định hướng lại các hoạt động theo hướng thân thiện với môi trường: tức là nếu đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, thì doanh nghiệp đó có thể được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, lãi suất, chi phí thuê đất và các thủ tục hành chính khác. Chính phủ cũng đặt ưu tiên vào việc thực hiện các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng có hiệu quả. Một khi những chính sách này có hiệu lực, chúng ta sẽ thấy trong tương lai, phát triển xanh và bền vững sẽ là định hướng cho phát triển kinh tế ở Việt Nam và là xu hướng đầu tư và phát triển các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Không những vậy, phát triển bền vững còn tạo ra nhiều cơ hội đầu tư sản xuất thân thiện với môi trường và các lĩnh vực kinh doanh khác cho các doanh nghiệp Châu Âu cũng như các doanh nghiệp nước ngoài khác hoạt động tại Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam và tôi cũng mong rằng những cơ hội này sẽ trở thành hiện thực và đem lại một tương lai tốt đẹp nhất cho kinh tế Việt Nam.

Thanh Lê
Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam (Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam
http://www.www.tochucnhansu2.com

Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà admin
Trả lời nhanh

Back to topMessage [Page 1 of 1]

  © FMvi.vn

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết liên quan

    Quyền hạn của bạn:

    You cannot reply to topics in this forum

    • Create a forum | Roleplay forums | Schools, College, Magic | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com