Change background image
OAPA Forum- Cộng Đồng nhân sự Việt


Go downMessage [Page 1 of 1]

© FMvi.vn

Wed Nov 17, 2010 3:28 pm
avatar
avatar

tài liệu cho các nhà hành chính tương lai Binhnhi

Sự Bí ẩn của Tư bản
Hernando de Soto
Người dịch: ts.Nguyễn Quang A

Lời giới thiệu


Bạn đọc cầm trên tay cuốn sách thứ năm* của tủ sách SOS2. Cuốn Sự Bí ẩn của Tư bản (The Mystery of Capital) của tác giả Hernando de Soto xuất bản lần đầu năm 2000.

Hernando de Soto là một học giả người Peru, một nhà hoạt động thực tiễn vĩ đại, ông tự hào là người từ Thế giới Thứ ba, toàn bộ hoạt động của ông và của Institute for Liberty and Democracy mà ông sáng lập và lãnh đạo nhằm tìm cách tạo cơ hội cho những người nghèo. Ông và các cộng sự của ông phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp của những người nghèo, đấu tranh và, quan trọng hơn, vạch ra cho các chính phủ nên cải cách hệ thống pháp luật ra sao để mang lại lợi ích, trước hết là những cơ hội, cho những người nghèo. Phát hiện mang tính cách mạng của ông là những lí giải về nguồn gốc của tư bản, vạch ra rằng hệ thống quyền sở hữu và các luật và thể chế liên quan chính là môi trường sống của tư bản, là các cơ chế, các quá trình biến các tài sản thành tư bản, duy trì cuộc sống của tư bản và tăng cường năng lực của nó để làm ra của cải ngày càng nhiều hơn. Không có các hệ thống pháp luật như vậy thì không có nền kinh tế thị trường hiện đại hiệu quả. Ông cũng phác thảo ra những chỉ dẫn ban đầu cho các nhà chính trị, các nhà lập pháp làm thế nào để xây dựng các hệ thống pháp luật như vậy.

Theo nghĩa đen của từ, ông là một nhà phân tích hệ thống, một kiến trúc sư phần mềm tài ba. Chính trong ý nghĩa này, tôi muốn làm rõ tên của tủ sách SOS2 . SOS2 là gì? Nhiều bạn đọc thắc mắc. Phải chăng nó là rất khẩn cấp vì có mũ bình phương. Hiểu như vậy cũng được, nhưng ý nghĩa thật của nó, thứ lỗi cho bệnh nghề nghiệp, là “Social Operating System Software”, tức là “Phần mềm Hệ Điều hành Xã hội”. Những người quen biết với các hệ thống tin học đều biết phần mềm là quan trọng nhất trong một hệ thống, và phần mềm hệ điều hành là phần cốt lõi nhất. Xã hội cũng có thể xem như một hệ thống và phần mềm hệ điều hành chính là luật cơ bản, là những qui chế, tập quán, truyền thống…, qui định ứng xử chính của các thành viên (cá nhân, tổ chức) trong xã hội. Với ý nghĩa đó, tôi chọn lọc các tác phẩm mà tôi nghĩ là quan trọng đối với những người viết phần mềm xã hội ở Việt nam [thực ra, những người làm phần mềm tài ba này lại chính là nhân dân], dịch chúng ra tiếng Việt và tổ chức xuất bản chúng. Tôi nghĩ đó là một việc làm bổ ích cho đất nước.

Vấn đề quyền sở hữu dường như là một vấn đề cấm kị ở Việt Nam trong nhiều thập kỉ qua. Nói đến nó người ta rất ngại, viết về nó có thể là nguy hiểm. Khi chất vấn tôi về việc dịch và tổ chức xuất bản hai cuốn sách của Kornai, một cảnh sát văn hoá hỏi tôi còn chuẩn bị cuốn sách nào không. Khi nghe tôi nói cuốn sách này bàn về vấn đề sở hữu, chưa rõ đầu cua tai nheo ra sao anh ta nói ngay đại ý là “đó là vấn đề nhạy cảm vì nó đụng đến bản chất của chế độ!” Tâm lí chung là như vậy. Song đó là một sự ngộ nhận nguy hại. Các văn bản quan trọng nhất của Việt Nam đều không qui định như thế. Điều 12 của Hiến Pháp 1946 ghi rõ “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt nam được đảm bảo”. Các điều 14, 15, 16 và 18 của Hiến Pháp năm 1959 cũng đảm bảo những quyền tư hữu của nông dân, thợ thủ công, các nhà tư sản và mọi công dân. Hiến Pháp 1980 thực tế đã xoá bỏ kinh tế tư nhân và kinh tế tư bản, song điều 27 vẫn bảo hộ quyền sở hữu của công dân về “thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ”. Hiến Pháp 1980 có lẽ là tồi tệ nhất xét theo khía cạnh sở hữu. Hiến Pháp 1992 có cởi mở hơn song vẫn chưa bằng Hiến Pháp 1959 và còn thua xa Hiến Pháp 1946. Điều 58 của Hiến Pháp 1992 viết “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế khác;…”. Ấy thế mà người ta vẫn sợ, vẫn ngại nói về vấn đề này, đó là chưa nói đến đất đai, hầm mỏ và các tài nguyên khác.

Về đất đai, hay nói rộng hơn về bất động sản, đây là nguồn tài sản khổng lồ. Bất động sản là một nguồn tài sản khổng lồ chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng tài sản. Sử dụng nó ra sao liên quan đến luật đất đai và quyền sở hữu nói chung và được phân tích kĩ lưỡng trong cuốn sách này. Hiến Pháp 1946 không đề cập đến đất đai, nhưng từ Hiến Pháp 1959 đến Hiến Pháp 1992 đều qui định đất đai, hầm mỏ thuộc sở hữu nhà nước. Hiện nay ở Việt Nam công dân và các tổ chức có quyền sử dụng đất. Theo luật, quyền này bao gồm quyền hưởng giá trị thặng dư do tài sản tạo ra; quyền chuyển nhượng, thừa kế; và quyền quản lí tài sản. Thực ra, tên gọi của nó là quyền sở hữu, hay quyền sử dụng không phải là cái chính, quan trọng là nội dung của nó. Tất nhiên, nếu ta gọi như cả thế giới dùng là quyền sở hữu thì vẫn hơn. Độc giả có thể xem các trang 60-63 của cuốn sách thứ hai của tủ sách để hiểu rõ khái niệm quyền sở hữu. Tôi hi vọng đọc xong cuốn sách này những nhà lập pháp Việt Nam có thể thay đổi lập trường của mình về vấn đề này và tạo ra một luật đất đai phù hợp. Đặc biệt khi suy ngẫm về độ lớn của bất động sản, bởi vì, theo de Soto (trang 86) “bất động sản chiếm khoảng 50 phần trăm của cải của các nước tiên tiến; ở các nước đang phát triển con số này là gần ba phần tư”. Không có luật phù hợp để huy động tối đa tiềm năng của 75% của cải này của quốc gia thì thật nguy hiểm.

Sở dĩ phải nêu dài dòng như trên để thấy cần phải nói, viết, bàn và tranh luận về vấn đề quyền sở hữu. Quan trọng hơn, một trong những đóng góp quan trọng của de Soto, là một hệ thống quyền sở hữu được thiết kế tốt, có thể tiếp cận được cho tất cả mọi người, cùng với những qui định pháp lí liên quan chính là những cái giúp chúng ta thực hiện các mục tiêu: “Dân giầu; nước mạnh; xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.

Quyển sách không chỉ bổ ích cho các nhà chính trị, các nhà lập pháp, các quan chức nhà nước mà còn bổ ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, những người làm công tác ngân hàng, tài chính, các nhà báo, các doanh nhân, sinh viên và những người quan tâm khác.

Tôi cảm ơn các ông Lâm Hoàng Lộc và Lê Trọng Nhi, các chuyên gia tài chính, đã lưu ý tôi về cuốn sách này và giúp cho một bản sao.

Tất cả các chú thích đánh dấu sao là của người dịch. Tôi đã cố gắng dịch trung thành với nguyên bản và mong cho bản dịch được rõ ràng và dễ hiểu, tuy nhiên do sự hiểu biết có hạn của người dịch chắc chắn bản dịch còn nhiều thiếu sót, mong được bạn đọc lượng thứ và chỉ bảo; xin liên hệ theo địa chỉ:

Tạp chí Tin học và Đời sống –25/B17 Hoàng Ngọc Phách (Nam Thành Công) Hà nội, hoặc qua điện thư thds@hn.vnn.vn hay nqa@netnam.org.vn .
các bạn download qua link này: http://www.mediafire.com/?ynt0v1m049ojqzg

Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà big
Trả lời nhanh

Back to topMessage [Page 1 of 1]

  © FMvi.vn

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết liên quan

    Quyền hạn của bạn:

    You cannot reply to topics in this forum

    • Make a forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com